Năm 2022, TP HCM chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội hoàn thành

Tính đến ngày 21/12, TP HCM chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng tại TP Thủ Đức với quy mô 260 căn.

Sở Xây dựng TP HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP HCM về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022.

Theo Sở Xây dựng, tính đến ngày 21/12, TP HCM chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng tại TP Thủ Đức với quy mô 260 căn.

Còn lại 9 dự án nhà ở xã hội đang thi công với quy mô gần 6.491 căn gồm 4 dự án nhà ở xã hội độc lập quy mô 3.004 căn và 5 dự án sử dụng quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội quy mô 3.227 căn. Có 2 dự án nhà cho công nhân thuê đang thi công với quy mô 1.400 căn.

Từ đầu năm đến nay, TP HCM có 5 dự án được khởi công gồm: 4 dự án nhà ở xã hội tại TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh, 1 dự án nhà lưu trú công nhân trong khu chế xuất.

Cụ thể, dự án Nhà lưu trú công nhân Khu Chế xuất Linh Trung II, tại phương Linh Trung, TP  Thủ Đức; chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu nhà ở Nguyên Sơn tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh; chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư tại phường Long Trường, TP Thủ Đức;

Nhà ở xã hội MRI thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây, quận 7 và dự án chung cư nhà ở xã hội Dragon E - Home thuộc Khu nhà ở Dragon Village phường Phú Hữu, TP Thủ Đức.

Tuy nhiên, những dự án nhà ở xã hội khởi công trong năm 2022 đều đang đứng hình do vướng mắc trong quá trình triển khai.

Đối với nhà ở thương mại, từ đầu năm đến nay Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 25 dự án nhà ở thương mại với quy mô 12.147 căn, tổng giá trị cần huy động là 252.337 tỷ đồng.

Trong đó phân khúc cao cấp (giá bán trên 40 triệu đồng/m2) chiếm tới 78,3%, còn lại là phân khúc trung cấp (từ 20 - 40 triệu đồng/m2), không có phân khúc căn hộ bình dân (dưới 20 triệu đồng/m2)

Kết quả thực hiện công tác di dời, tháo dỡ và xây dựng mới thay thế chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Tại TP HCM có 16 chung cư cấp D (hư hỏng, xuống cấp, có nguy có sụp đổ) với 1194 hộ dân.

TP HCM đã di dời toàn bộ 6 chung cư với 333 hộ, gồm: Chung cư 128 Hai Bà Trưng (94 hộ), chung cư 23 Lý Tự Trọng, quận 1 (81 hộ); chung cư 6Bis Nguyễn Tất Thành, quận 4 (264 hộ); chung cư 40/1 Tân Phước (78 hộ), chung cư 47 Long Hưng (30hộ) và chung cư 170-171 Tân Châu, quận Tân Bình (24 hộ).

Di dời dở dang 5 chung cư với tổng số hộ dân là 566 hộ, di dời được 316 hộ, gồm: Chung cư 11 Võ Văn Tần, quận 3 (18/19 hộ); chung cư 119B Tân Hòa Đông, quận 6 (68/80 hộ); chung cư 155-157 Bùi Viện, quận 1 (99/100 hộ); chung cư Trúc Giang (120/123 hộ); chung cư Vĩnh Hội (lô A, B, C), quận 4 (11/244 hộ).

5 chung cư cư cấp D với 295 hộ dân chưa di dời, gồm: Chung cư 440 Trần Hưng Đạo, quận 5; chung cư 137 Lý Thường Kiệt và chung cư 149-151 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình; chung cư Tôn Thất Thuyết (lô A, B, C), quận 4, chung cư Hoàng Diệu (lô Y), quận 4.

Ngoài ra, đối với 2 chung cư cũ của giai đoạn trước, TP HCM đã hoàn thành xây dựng mới trong năm 2022 với với quy mô 82.004,72 m2 sàn, 564 căn hộ, gồm: Chung cư số 251 đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình; chung cư Cô Giang (lộ tái định cư - giai đoạn 1), quận 1.

Nam 2022, TP HCM chi co 1 du an nha o xa hoi hoan thanh
 Một dự án nhà ở huyện Bình Chánh, TP HCM.

Nhiêu khê thủ tục làm dự án nhà ở xã hội

Trước đó, tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng TP HCM cho biết, hiện công tác quản lý phát triển nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Theo các quy định pháp luật hiện nay, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục mà dự án nhà ở thương mại không phải thực hiện, gồm: xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, sau đó thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất; thẩm định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội; xác nhận đối tượng.

Như vậy, số lượng thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với dự án nhà thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Do đó, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội. Trường hợp vượt thẩm quyền, kiến nghị Bộ Xây dựng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để được xem xét giải quyết.

Bên cạnh đó, hiện nay, một số dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha đến dưới 10 ha xin điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện, thì khi thực hiện điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo pháp luật về đầu tư, kiến nghị vẫn thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo quy định pháp luật về nhà ở xã hội tại thời điểm được chấp thuận đầu tư trước đây.

Về hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 2 ha đến dưới 10 ha, thực tế, các dự án này quỹ đất 20% tại dự án để bố trí nhà ở xã hội là tương đối nhỏ, quy mô nhà ở xã hội không lớn, dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng cao làm giá thành căn hộ tăng lên, người có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở.

Qua thực tiễn, UBND TP nhận thấy, quy hoạch khu vực phát triển nhà ở xã hội ngoài việc đáp ứng nhu cầu diện tích đất cho phát triển nhà ở xã hội còn phải phù hợp về vị trí (gần các khu công nghiệp, các khu dành cho người có thu nhập thấp...), nhu cầu đất đai của khu vực quy hoạch, điều kiện kinh tế của các đối tượng sở hữu, phát huy hiệu quả dự án...

Trường hợp dự án nhà ở xã hội nằm rải rác trong các dự án nhà ở thương mại sẽ làm chi phí đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tăng cao, tiền bảo trì công trình lớn, phí dịch vụ cao dẫn đến khó khăn cho người thu nhập thấp. Do đó Sở Xây dựng kiến nghị cho phép UBND TP quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha đến dưới 10 ha.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN