Theo đó, tài sản bảo đảm của khoản nợ trên là nhiều bất động sản của Công ty Nhà Hưng Ngân gồm: Khu nhà ở cao tầng kết hợp phức hợp thương mại (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP HCM) hay còn gọi là chung cư Hưng Ngân Garden (không bao gồm 971 căn hộ của 03 block A1, A2 và B1 đã nghiệm thu, bàn giao cho người mua căn hộ); dự án “Khu du lịch Bãi Cửa Cạn” ở xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Trong đó, chung cư Hưng Ngân Garden có diện tích gần 27.560 m2, quy mô 4 block chung cư cao 22 tầng, trường học, khu thương mại dịch vụ.
Theo Tapchimattran, Nhà Hưng Ngân đã vay BIDV số tiền 494 tỷ đồng vào năm 2011 nhằm thanh toán các chi phí triển khai dự án Hưng Ngân Garden.
Đổi lại, Hưng Ngân đã đem đi thế chấp bao gồm nhiều bất động sản của ông Nguyễn Đắc Điềm, cùng con trai là Nguyễn Đắc Hưng và toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay (bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) của dự án nêu trong hợp đồng tín dụng...).
Năm 2012, cùng với khối tài sản thế chấp trên, nhưng chỉ thay đổi người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Đắc Hưng - Tổng Giám đốc, BIDV đã chấp nhận tăng mức cho vay đối với Nhà Hưng Ngân lên xấp xỉ 691 tỷ đồng. Mặc dù trước đó, BIDV đã yêu cầu Nhà Hưng Ngân phải tất toán toàn bộ dư nợ tại Ngân hàng Liên doanh Việt Nga và giải chấp tài sản bảo đảm tại Ngân hàng Liên doanh Việt Nga để thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất (27.559,6m2) của dự án cho khoản vay tại BIDV.
Đến năm 2017, đối với khoản vay 691 tỷ đồng của Nhà Hưng Ngân, BIDV đã phải phát đi cảnh báo đối món vay chậm trả của doanh nghiệp này và khả năng chuyển vào nhóm nợ xấu (nợ có khả năng mất vốn).
Ngoài ra, quá trình thi công dự án chung cư Hưng Ngân Garden từng vướng lùm xùm bị đình chỉ do xây dựng không phép vào năm 2014.
Nhiều cơ quan báo chí còn phản ánh, thời điểm bàn giao dự án (năm 2017), các cư dân tại chung cư này rất bức xúc trước việc chủ đầu tư chậm tiến độ bàn giao căn hộ. Đặc biệt các căn hộ bàn giao tại thời điểm đó chưa thể sử dụng được vì thang máy chưa hoạt động, không có nước, điện chỉ mới câu tạm, chưa có hệ thống báo cháy, tầng hầm giữ xe.
Tiếp theo là dự án “Khu du lịch Bãi Cửa Cạn” có tổng diện tích đất hơn 20 ha. Dự án được cơ cấu sử dụng là khu thương mại dịch vụ phức hợp, khu dịch vụ du lịch, khu khách sạn, khu biệt thự nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, tháng 12/2018, ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc đã có quyết định chấm dứt hoạt động của dự án do nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đăng ký.
Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm tại TP HCM của Công ty Nhà Hưng Ngân trong khoản nợ của BIDV còn gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 51 Hoàng Diệu (quận Phú Nhuận) với diện tích đất 188 m2. Đây cũng là trụ sở tại TP HCM của Nhà Hưng Ngân.
Tại Hà Nội, tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Nhà Hưng Ngân tại BIDV còn có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 130 phố Tôn Đức Thắng với diện tích đất 138 m2 và số 11 ngách 34/2 đường Nguyên Hồng với diện tích đất 84 m2 cùng ở quận Đống Đa.
Giá chào bán khởi điểm với khoản nợ của Công ty Nhà Hưng Ngân là 396 tỷ đồng, hạ giá các bất động sản Nhà Hưng Ngân 24% so với giá đầu tiên vào tháng 3/2020.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Nhà Hưng Ngân được thành lập năm 2009, với số vốn tính đến cuối năm 2019 là hơn 315 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông sáng lập là Công ty cổ phần Đầu tư Nhà và Thương Mại Hưng Ngân (tỷ lệ sở hữu 55%); ông Nguyễn Đắc Điềm (tỷ lệ sở hữu 25%); bà Nguyễn Thị Lương (tỷ lệ sở hữu 5%); bà Nguyễn Thị Đắc Ngân (tỷ lệ sở hữu 15%).
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ông Nguyễn Bắc Điềm, còn Giám đốc Công ty là ông Nguyễn Đắc Hưng.
Công ty Nhà Hưng Ngân cũng là một trong những doanh nghiệp trực thuộc CTCP Đầu tư Nhà và Thương mại Hưng Ngân (Hưng Ngân Group), được thành lập từ năm 2007, với 96,82% vốn điều lệ do ông Nguyễn Đắc Điềm sở hữu.
Công ty Nhà Hưng Ngân còn là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Thị trấn Chờ phân khu A, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.