Khoan cắt bê-tông tháo dỡ "Vạn lý trường thành" ở Tràng An

"Vạn lý trường thành" tiền tỷ xây dựng trái phép ở vùng lõi danh thắng Tràng An đang được hàng chục công nhân dùng máy cắt bê-tông, búa tạ... tháo dỡ.
Công trình xây dựng trái phép này gồm tuyến đường dẫn lên - xuống đỉnh núi Cái Hạ gồm 953 bậc thang, tổng chiều dài 510m và các công trình phụ trợ như cột trụ bê-tông, công trình vệ sinh công cộng tại các điểm dừng nghỉ.
Các hạng mục này đều làm bằng bê-tông, cốt thép kiên cố được đơn vị trên xây dựng trái phép, đã hoàn thành đưa vào hoạt động trong gần 1 năm qua.
 Công trình ôm đỉnh núi Cái Hạ được xây dựng không phép từ tháng 8/2017.
Phương án tháo dỡ được Sở Xây dựng Ninh Bình đưa ra gồm 9 công đoạn, dựa trên hình dạng thiết kế của công trình. Thời gian: 1 tháng.
Tổ công tác gồm 20 công nhân bắt đầu dùng máy khoan cắt bê tông, máy cắt tháo dỡ chiếc cầu bê-tông bắc trên mỏm Cái Hạ dài 18m, đoạn nối với phần đường dẫn lên và phần đường dẫn xuống.
Sau khi hoàn tất tháo dỡ cầu, đội công nhân sẽ tháo dỡ theo hai hướng giật lùi từ trên đỉnh xuống chân núi theo kiểu cuốn chiếu, chuyển phế liệu xây dựng ra khỏi khu vực vùng lõi danh thắng bị xâm hại.
Tại hai đầu cầu, lực lượng tháo dỡ đã lắp ghép giàn giáo và cốt pha tạo thành sàn dưới dầm, cách thân cầu khoảng 1m. Dây cáp neo hai đầu được buộc vào các cột trụ chưa tháo dỡ, để đảm bảo an toàn cho công nhân, đồng thời cũng là “tấm lưới” nhằm thu gom vật liệu xây dựng, tránh để rơi vãi xuống khe núi.
Đến chiều tối qua, nhóm công nhân đã hoàn tất việc tháo dỡ lan can, cột trụ lan can trên thành cầu.
Một công nhân cho biết, mỗi ngày trung bình tháo dỡ được 7 cột trụ bê-tông lan can. Với tiến độ hiện tại, việc tháo dỡ xong toàn bộ công trình sai phạm sẽ không đảm bảo đúng thời hạn theo yêu cầu.
 
Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung từ năm 2016.
Theo quy hoạch chung, khu vực núi Cái Hạ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) là vùng cấm và hạn chế xây dựng (kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt), phải giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm mọi hành vi xây dựng công trình trong phạm vi.
"Vạn lý trường thành" trái phép ở Tràng An là công trình bậc thang có tay vịn bằng bê-tông 
 
 Từ tháng 8/2017, công ty cổ phần du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc đã tự ý khoan núi Cái Hạ dựng cột bê tông, xây bậc thang lên xuống đỉnh núi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Trong vòng khoảng 6 tháng xây dựng, dự án được công ty gọi là đường lên đỉnh Huyền Vũ – nơi vua lập đàn kính thiên, hoàn thành và đưa vào khai thác từ Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay.
 Mặc dù các cơ quan chức năng của Ninh Bình đã có nhiều văn bản kiểm tra, xử lý... nhưng nó vẫn hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Chiếc cầu dài 18 mét bắc trên đỉnh núi đang được tháo dỡ. 
 

 

Cắt bỏ lan can tay vịn thành cầu.
 Đến chiều 3/4, đã tháo dỡ được lan can, tay vịn chiếc cầu trái phép.

Di tích lịch sử được chủ đầu tư đưa ra trong biển chỉ dẫn để giới thiệu với khách du lịch. 
Số tay vịn, lan can tháo dỡ được chất thành đống. 
Thông tin với VietNamNet, một nguồn tin cho hay: giá trị công trình xây dựng này ước tính khoảng 4-5 tỷ đồng, chủ yếu gồm các hạng mục thi công tuyến đường dẫn lên - xuống đỉnh núi Cái Hạ.
Điện Kính Thiên (đàn tế trời đất) được chủ đầu tư không phép này quảng bá trên một tấm biển đặt ở mỏm núi ghi: năm 967, dẹp loạn xong 12 sứ quân, giang sơn thu về một mối, Đinh Bộ Lĩnh cho dựng đàn trên đỉnh núi để tế trời đất, bố cáo thiên hạ, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu Thái Bình. Công trình phục dựng lại di tích cũ trên đỉnh núi có độ cao 95 mét, với tổng chiều dài 1.115m gồm 2.234 bậc thang.
Tuy nhiên, tại phương án tháo dỡ mà Sở Xây dựng Ninh Bình phê duyệt, công trình này có chiều dài 510m gồm 953 bậc thang, thấp hơn nhiều con số mà chủ đầu tư đưa ra.
Phó chủ tịch huyện Hoa Lư Nguyễn Quốc Hưng cho hay ông Son là người dân sinh sống tại địa phương. Năm 2007, khi có dự án đầu tư mở rộng tuyến đường vào khu thắng cảnh và nâng cấp xây dựng cầu Nam Sào, gia đình ông Son đã được di dời, đền bù giải phóng mặt bằng.
Tổng diện tích còn lại sau thu hồi của gia đình ông Son là hơn 3.500m2, đã được cấp GCN QSDĐ. Tuy nhiên, phần đất này chỉ liền kề với đỉnh núi Cái Hạ - một trong 100 ngọn núi thuộc quần thể danh thắng Tràng An.
“Ông Son có một cái nhà cổ. Khi di dời, ông Son đã dời công trình sang vị trí mới sát với bến thuyền Cái Hạ. Ông Son trước đó có kết hợp với các hộ dân trong xóm Tràng An kinh doanh dịch vụ du lịch home-stay; đội thuyền chở khách du lịch đi tham quan vùng lõi khu di tích…”, Phó chủ tịch huyện Hoa Lư thông tin.
Được biết, ông Nguyễn Văn Son chịu toàn bộ chi phí tháo dỡ công trình sai phạm. Trước đó, ông cũng đã có đơn gửi UBND tỉnh Ninh Bình về việc tự khắc phục, xử lý công trình sai phạm.
 Nhìn từ xa, "Vạn lý trường thành" này tựa như một con rồng bê tông uốn lượn mềm mại.
Theo Nhóm PV/VNN

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN