Trong quý này, HAGL ghi nhận doanh thu giảm 15% so cùng kỳ về còn 535 tỷ đồng, theo thuyết minh doanh thu từ bán trái cây giảm tới 63% còn gần 189 tỷ đồng. Doanh thu từ bán heo gần 190 tỷ đồng, ngang ngửa với doanh thu trái cây trong khi quý 2/2020 không ghi nhận.
Trong kỳ, HAGL được hoàn nhập chi phí quản lý doanh nghiệp 261 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí dự phòng) cùng với chi phí bán hàng tiết giảm.
Điều này giúp Tập đoàn của bầu Đức báo lãi sau thuế quý 2/2021 đạt 87 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước âm 1.329 tỷ đồng. Như vậy HAGL đã có lãi sau 8 quý thua lỗ liên tiếp.
|
Doanh thu của HAG ghi nhận trong quý 2/2021. |
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, HAGL đạt 801 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 46% nhưng lãi sau thuế đạt 18 tỷ trong khi nửa đầu năm 2020 lỗ ròng 1.396 tỷ đồng. Khoản lỗ luỹ kế sau thuế chưa phân phối tới hết quý 2 là 7.549 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6, tổng tài sản ghi nhận 18.150 tỷ đồng, giảm phân nửa so với đầu năm do không còn hợp nhất với CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG).
Tổng nợ đi vay chiếm 8.279 tỷ đồng, trong đó nợ ngân hàng 1.656 tỷ đồng với 551 tỷ nợ dài hạn và 1.105 tỷ nợ ngắn hạn. Các chủ nợ lớn của HAGL gồm ngân hàng Sacombank (524 tỷ), Eximbank (678 tỷ), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (262 tỷ), TPBank (192 tỷ),...
Ngoài nợ ngân hàng thì dư nợ trái phiếu của HAGL là hơn 6.481 tỷ đồng với 6.114 tỷ nợ dài hạn.
Trong quý vừa qua, HAGL đã mua lại hơn 400 tỷ trái phiếu còn lại, hoàn tất trả trước hạn 930 tỷ đồng trái phiếu. Trước đó cuối tháng 5, HAGL đã tiến hành mua lại 328 tỷ nợ trái phiếu.
Được biết, việc mua lại nợ trước hạn này đã được HAG thông qua tại Nghị quyết mới đây. Trái phiếu HAG mua lại trong lần này đều được phát hành vào ngày 29/12/2016, với trái chủ là HDBank.
Nguồn tiền trả nợ HDBank là từ việc bán gần 80 triệu cổ phiếu HNG theo phương thức thỏa thuận từ ngày 7/5-5/6.