|
Ảnh minh họa: Phạm Hải |
Gói thầu Mua bảo hiểm tàu thuyền quân sự năm 2024 của Cục Vận tải/Tổng cục Hậu cần có giá 10,12 tỷ đồng, vừa đóng thầu cách đây ít ngày. Trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), có nhiều đề nghị làm rõ, kiến nghị điều chỉnh một số tiêu chí, nhưng HSMT không được điều chỉnh.
Các đề nghị làm rõ, kiến nghị hướng đến 2 tiêu chí tại HSMT.
Thứ nhất là tiêu chí đánh giá nhân sự chủ chốt tại HSMT: vị trí tổng giám đốc hoặc người đại diện trước pháp luật phải đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ/trình độ chuyên môn như sau: tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành ngân hàng hoặc tài chính, có chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm. Theo các kiến nghị, việc giới hạn phải tốt nghiệp đại học ngành ngân hàng hoặc tài chính là không phù hợp với Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Thứ hai, Mục 3: tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật của HSMT đưa ra tiêu chí về lịch sử giải quyết bồi thường. Cụ thể, nhà thầu đã giải quyết ít nhất 2 vụ bồi thường tàu thuyền tại thời điểm năm 2020 đến thời điểm đóng thầu, số tiền bồi thường >20 tỷ đồng (có thông báo bồi thường, ủy nhiệm chi hoặc tài liệu để chứng minh đã thanh toán). Trường hợp liên danh, thành viên đứng đầu liên danh phải đạt yêu cầu. Theo kiến nghị, tiêu chí này hạn chế sự tham gia của nhà thầu và không thể hiện ý nghĩa của liên danh dự thầu và đề xuất điều chỉnh tính bằng tổng năng lực các thành viên. Tương tự, các tiêu chí khác tại Mục 3 cũng tính bằng tổng năng lực các thành viên.
Trong văn bản phản hồi làm rõ và kiến nghị của nhà thầu, Bên mời thầu khẳng định các tiêu chí đưa ra không hạn chế sự tham gia của nhà thầu và không chỉnh sửa HSMT. HSMT đưa ra các yêu cầu về trình độ chuyên môn của người đại diện trước pháp luật nhằm phù hợp với tích chất đặc thù của gói thầu; bảo đảm có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm phù hợp, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm khi có sự vụ xảy ra. Với yêu cầu về lịch sử giải quyết bồi thường, theo Bên mời thầu, việc đưa ra yêu này để bảo đảm an toàn tài sản của quân đội và Nhà nước, giảm thiểu thời gian xem xét/trao đổi/xử lý hồ sơ. Trường hợp nhà thầu không đáp ứng yêu cầu này thì có thể liên danh với các nhà thầu khác để thực hiện gói thầu.
Theo một số chuyên gia về bảo hiểm, Bên mời thầu trả lời trường hợp nhà thầu không đáp ứng yêu cầu này thì có thể liên danh với các nhà thầu khác để thực hiện Gói thầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp có lịch sử giải quyết 2 vụ bồi thường tàu thuyền từ năm 2020 đến đóng thầu với số tiền trên 20 tỷ đồng không nhiều, thậm chí có thể chỉ đích danh là doanh nghiệp nào.
Theo một chuyên gia đấu thầu, điểm e khoản 1 Phụ lục 8 Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT nêu rõ, việc quy định các tiêu chí mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu được coi là vi phạm điểm k khoản 6 Điều 16 và khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu. Điều 16 Luật Đấu thầu quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, trong đó điểm k khoản 6 quy định: nêu điều kiện trong hồ sơ mời thầu nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 và khoản 2 Điều 48 của Luật. Về liên danh trong đấu thầu, các thành viên thống nhất phân công nội dung công việc đảm nhận, tỷ lệ phần trăm giá trị đảm nhận so với tổng giá dự thầu. Không thành viên nào có quyền từ chối thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ đã quy định.
Thành viên đứng đầu liên danh chỉ đại diện thực hiện một số công việc như sử dụng tài khoản, chứng thư số để nộp HSDT cho cả liên danh; ký các văn bản, tài liệu để giao dịch với chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình dự thầu; tham gia quá trình đối chiếu tài liệu, hoàn thiện hợp đồng; ký đơn kiến nghị trong trường hợp nhà thầu có kiến nghị; các công việc khác trừ việc ký kết hợp đồng… Khi xét kinh nghiệm trong thực hiện hợp đồng tương tự, thì tổng các thành viên liên danh phải đáp ứng và từng thành viên liên danh phải thỏa mãn yêu cầu tương đương với phần công việc đảm nhận.
Hiện Gói thầu đang trong thời gian đánh giá HSDT. Theo biên bản mở thầu, 2 nhà thầu tham dự là Liên danh Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp - Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt - Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không và Liên danh Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) - Tổng công ty Bảo hiểm PVI. Giá dự thầu của 2 nhà thầu có sự khác biệt đáng kể, là 6,216 tỷ đồng và 9,969 tỷ đồng.