Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo nhận định "Sự phát triển của hạ tầng có thể đem lại triển vọng phục hồi cho thị trường Bất động sản".
Đô thị loại đặc biệt: Đẩy mạnh hệ thống đường vành đai, đường cao tốc
Kể từ nửa đầu năm 2023, các đô thị loại đặc biệt ở Việt Nam (Hà Nội, TPHCM) đã khởi động lại tiến độ xây dựng hệ thống đường vành đai và đường cao tốc, như một phần của chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đối với hệ thống đường vành đai 03 tại TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM): Lễ khởi công đường vành đai đã diễn ra vào ngày 18/6, khi đã bàn giao hơn 81% diện tích đất cần cho đoạn tuyến của dự án (đoạn qua TP.HCM).
Tổng chiều dài tuyến là 90 km với chi phí đầu tư hơn 75,3 nghìn tỷ đồng (3,2 tỷ USD) sẽ kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Các tỉnh này cũng dự định động thổ vào cuối tháng 6 khi khoảng 70% diện tích đất sẽ được bàn giao. Toàn dự án sẽ thông xe vào cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, điều này có thể thực hiện được nếu Chính phủ bố trí đủ nguồn lực (đặc biệt là cho khâu giải phòng mặt bằng).
Đối với hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được hoàn thành sẽ góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 51, tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa các tỉnh Đồng Nai - Vũng Tàu với TP.HCM - các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành (là một phần của Vành đai 03, nối TP.HCM với các tỉnh Long An, Đồng Nai) đang trong quá trình tái xây dựng và dự kiến thông xe vào tháng 9/2025. Thời gian hoàn thành các tuyến cao tốc cũng trùng thời điểm hoàn thành đường Vành đai 03, nhằm hình thành tuyến giao thông kết nối Đồng bằng sông Cửu Long – TP.HCM – Đông Nam Bộ.
Đối với đường Vành đai 04 tại Hà Nội: Lễ khởi công đường vành đai đã diễn ra vào ngày 25/6, do công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành hơn 80%. Dự án có tổng chiều dài 113 km và ước tính ban đầu cần tổng vốn đầu tư 85,8 nghìn tỷ đồng (3,65 tỷ USD), sẽ kết nối Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Toàn dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027.
|
Sự phát triển hạ tầng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, với các dự án tiềm năng.
|
VDSC cho rằng việc hoàn thiện các công trình này sẽ là yếu tố hỗ trợ cho sự hồi phục của thị trường bất động sản.
Thứ nhất, VDSC kỳ vọng rằng sự khởi động của các dự án này sẽ hâm nóng thị trường bất động sản vốn đang trong tình trạng đóng băng từ năm 2022. Thứ hai, VDSC cho rằng những dự án nằm gần hệ thống đường vành đai/đường cao tốc sẽ được hưởng lợi nhờ: 1/ Quỹ đất đối với các dự án trong nội thành đã giảm đáng kể và 2/ Người mua có thu nhập trung bình sẽ có xu hướng sống ở khu vực ngoại thành, với chi phí sinh hoạt vừa phải, trong khi họ có thể vào trung tâm thành phố làm việc, nhờ hệ thống đường vành đai kết nối.
|
Các dự án hạ tầng hoàn thiện trong giai đoạn 2023-2025 |
Cao tốc Bắc - Nam đi vào hoạt động từ 2025: Hỗ trợ thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tuyến cao tốc Bắc – Nam sẽ đưa vào khai thác vào năm 2025, nâng tổng chiều dài các tuyến cao tốc Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung từ 193 km lên 1.390 km. Mục tiêu là kết nối các vùng kinh tế, nhất là giữa miền Trung với miền Bắc và miền Nam, nơi mà hạ tầng chưa được phát triển tương xứng.
Nhờ đó, đây là yếu tố hỗ trợ dài hạn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng; nhất là đối với các đô thị ven biển Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Bình Thuận, Đà Nẵng). Lượng khách du lịch sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của các tuyến giao thông, và nhu cầu về lưu trú cũng sẽ tăng theo.
Tuy nhiên, thiếu hành lang pháp lý sẽ là nút thắt cho phân khúc này. VDSC kỳ vọng các vấn đề sẽ được giải quyết vào cuối năm 2024, sau khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở được hoàn thiện.