Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quỹ ngoại Dragon Capital tăng từ 4,86% lên xấp xỉ 5,1% (43,4 triệu cổ phiếu) và chính thức trở thành cổ đông lớn của GEX từ ngày 28/6.
Chiếu theo giá đóng cửa phiên 26/6 của GEX tại mức 20.450 đồng/cp, nhóm quỹ này đã chi ra khoảng hơn 40 tỷ đồng cho giao dịch trên.
Đó cũng chính là phiên cổ phiếu GEX bắt đầu chuỗi đỏ điểm sau đó, ghi nhận giảm 4 phiên liên tiếp khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/6 rơi xuống mốc 18.600 đồng/cp, giảm gần 10% trong vòng 1 tuần qua, nhưng lại tăng 49% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản rất sôi động khi bình quân tới hơn 26 triệu đơn vị được sang tay mỗi phiên.
Trong khi trước đó, giai đoạn từ 18/5 đến 22/5, Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX đã bán ra toàn bộ hơn 33 triệu cổ phiếu GEX (tương đương 3,91% vốn) để cơ cấu danh mục đầu tư.
Gần đây Tập đoàn GELEX nhận được sự chú ý của nhà đầu tư khi nhiều thông tin lan truyền trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội có liên quan đến Tập đoàn GELEX nói chung và mã cổ phiếu GEX nói riêng.
GELEX khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng trước những thông tin thất thiệt và có những đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Hiện nay, GELEX sở hữu vốn tại công ty con, công ty liên kết có vị thế lớn tại các ngành còn nhiều tiềm năng trong dài hạn. Trong đó, VGC sở hữu 12 khu công nghiệp lớn; GEE có vị thế trong mảng thiết bị điện; mảng năng lượng, bất động sản có nhiều room tăng trưởng trong thời gian tới. Như đã báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, GELEX đang triển khai tái cấu trúc các mảng kinh doanh cũng như tích cực nắm bắt các cơ hội hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, GELEX có chủ trương cơ cấu lại danh mục các dự án điện đã vận hành trong hệ thống thông qua việc thoái tối đa hoặc toàn bộ cổ phần/phần vốn góp tại các công ty dự án điện này cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, GELEX đang trong quá trình làm việc, thương thảo để đi đến thống nhất và hoàn tất giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài.
Về tình hình tài chính, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của GELEX là 52.401 tỷ, giảm 14% so với đầu kỳ, chủ yếu giảm tài sản ngắn hạn do GEX chủ động giảm tích trữ hàng tồn kho (giảm gần 2.000 tỷ xuống mức 9.303 tỷ), giảm phải thu ngắn hạn (còn 4.186 tỷ) và giảm các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (giảm tới hơn 4.852 tỷ xuống còn 2.521 tỷ).
GEX cho biết cũng chủ động giảm nợ vay xuống còn 16.800 tỷ từ mức hơn 22.000 tỷ đồng, gồm nợ vay ngân hàng và nợ trái phiếu (gần 3.200 tỷ) để giảm chi phí và áp lực tài chính trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động khó lường.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần hợp nhất năm 2022 của GEX đạt 32.090 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và đạt 89% kế hoạch cả năm. Tuy duy trì đà tăng trưởng tốt nhưng doanh thu thuần hợp nhất của GEX không đạt mức kế hoạch do một số nhóm ngành bị ảnh hưởng từ nhu cầu thị trường như vật liệu xây dựng, thiết bị điện.
Lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 đạt 2.093 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và chỉ đạt 80% kế hoạch cả năm do doanh thu không đạt và chi phí tài chính tăng (ảnh hưởng bởi chi phí lãi vay tăng và lỗ chênh lệch tỷ giá...).
Về kế hoạch 2023, GELEX đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.457 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.272 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch này của GELEX ghi nhận tăng về doanh thu nhưng lợi nhuận lại giảm gần phân nửa.