Dự án Usilk City: Quyền lợi của hàng nghìn khách hàng sẽ ra sao?

Sáng 28/12, hàng trăm người mua căn hộ của tòa CT1-104 thuộc dự án khu đô thị Văn Khê mở rộng (Usilk City, Hà Nội) đã có buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư là Công ty CP Sông Đà Thăng Long và tổng thầu BID Group.

“Vợ chết vẫn chưa thấy nhà đâu”

Khá nhiều ý kiến bức xúc được nêu ra trong cuộc gặp với chủ đầu tư. Nhiều người vì mua nhà của dự án mà lâm vào cảnh bần hàn, nợ nần chồng chất, gia đình mâu thuẫn, chia ly.

Ông Ngô Quang Thiệu, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Gia đình ông đã tin tưởng chủ đầu tư nên dồn toàn bộ vốn liếng tích lũy được sau mấy chục năm đi làm lên tới chục tỷ đồng để mua 2 căn hộ của dự án. Tiền đã nộp đầy đủ theo hợp đồng từ năm 2010 mà đến nay đã gần chục năm chưa thấy nhà đâu.

“Đến nay vợ tôi cũng đã chết mà vẫn chưa thấy nhà đâu. Bây giờ tôi vẫn đang phải đi thuê nhà, cuộc sống rất khó khăn”, ông Thiệu nghẹn ngào.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh mua căn hộ rộng gần 154m2 với giá nhiều tỷ đồng với mục đích chuyển cả nhà từ Đà Nẵng ra Hà Nội sinh sống. Ngoài tiền gốc, chị đã phải mua “chênh” căn hộ lên tới 350 triệu đồng, phải đi vay nợ ngân hàng thời điểm năm 2010 lãi suất lên tới gần 20%. Gương mặt khắc khổ chị nói: vì mua căn nhà mà gia đình đã phải trải qua biết bao sóng gió, gian nan.

Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều người mua nhà tại dự án không cầm được sự uất ức khi lòng tin của họ đã từng bị chủ đầu tư lợi dụng, hứa hẹn hết lần này đến lần khác. “Nếu như không nhìn thấy công trường thi công và đối tác mới của dự án thì chúng tôi đã mất hoàn toàn niềm tin vào chủ đầu tư là Công ty Sông Đà Thăng Long”, một khách hàng trú tại phường La Khê, Hà Đông cho hay.

Du an Usilk City: Quyen loi cua hang nghin khach hang se ra sao?
Hàng trăm người mua nhà có mặt trong buổi gặp với chủ đầu tư  

Quyền lợi của khách hàng giải quyết ra sao?

Trả lời câu hỏi của người mua nhà, ông Trần Văn Mạnh, Chủ tịch BID Group và đồng thời là Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà Thăng Long cho biết: Bản thân ông mới được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Công ty Sông Đà Thăng Long do chủ đầu tư đang có biến động về nhân sự.

BID Group là tổng thầu của dự án CT1-104 với mục tiêu làm hồi sinh dự án. BID Group bỏ tiền để thực hiện tiếp dự án, phối hợp với Công ty Sông Đà Thăng Long giải quyết các quyền lợi cho người mua nhà. Đổi lại chủ đầu tư sẽ trả cho BID group khoảng 400 căn hộ còn lại chưa bán tại dự án, quyền khai thác các hạng mục thương mại, quản lý tòa nhà.

Trước nhiều ý kiến của người mua nhà về việc do dự án để hoang quá lâu nên không còn tiền để nộp tiếp thì chủ đầu tư giải quyết ra sao, có được chuyển đổi căn hộ sang diện tích nhỏ không?; Ông Trần Văn Mạnh cho rằng, chủ đầu tư đang phối hợp với đối tác để thảo luận và sớm đưa ra các phương án cụ thể và linh hoạt theo nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà.

“Những trường hợp muốn chuyển đổi sàn thương mại sang căn hộ sẽ được chủ đầu tư xem xét cụ thể. Những trường hợp muốn ký lại hợp đồng cũng sẽ được thực hiện. Tôi đề nghị người mua nhà sớm thành lập Ban đại diện khách hàng để thảo luận về những nội dung cụ thể”, ông Mạnh nói.

Để tạo niềm tin với khách hàng, BID Group đã đầu tư vốn xây dựng tòa nhà lên tới tầng 11 trong tổng số 50 tầng theo thiết kế. Chủ đầu tư cam kết đến cuối năm 2021 sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng. “Tôi cam kết trước Tết âm lịch Canh Tý chủ đầu tư sẽ có buổi gặp trực tiếp với người mua nhà để thảo luận về các điều khoản cụ thể”, ông Trần Văn Mạnh cam kết.

Trước đó, dự án khu đô thị Văn Khê mở rộng (tên thương mại là Usilk City) gồm gần chục tòa nhà căn hộ nằm trên mặt đường Tố Hữu (quận Hà Đông), tòa cao nhất lên tới 50 tầng được mở bán vào năm 2008-2009 dưới hình thức ban đầu góp vốn. Giá mua tại thời điểm năm 2010 khoảng hơn 24 triệu đồng (tương đương hơn 1200 USD).

Tính đến thời điểm hiện nay, ngoài 4 tòa nhà đã bàn giao cho người dân, còn lại đều trong tình trạng xây xong móng hoặc lên được vài tầng thô rồi để hoang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng nghìn người mua nhà. Tình trạng người dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư, khiếu kiện lên cơ quan chức năng diễn ra hết sức nhức nhối…

Cơ quan chức năng né trách nhiệm?

Trong suốt gần chục năm qua, hàng trăm người dân khu đô thị Văn Khê đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng của Hà Nội, Bộ Xây dựng, cơ quan pháp luật nhưng không nhận được những giải pháp đủ mạnh để xử lý vụ việc. Thanh tra Hà Nội đã có kết luận nhưng vụ việc vẫn không được xử lý dứt điểm, dự án vẫn “đắp chiếu” kéo dài. Thực trạng của dự án cũng tiếp tục cho thấy những khe hở rất lớn trong quy định “bán nhà trên giấy”! 

Theo Tienphong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN