Dự án bất động sản bên sông Hàn có ảnh hưởng tới dòng chảy?

Lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng dự án không ảnh hưởng tới dòng chảy của sông Hàn, nhưng cũng có ý kiến lo ngại sẽ có hậu quả và cần phải có hội thảo khoa học để đánh giá cho đúng rồi mới triển khai.
Dự án nhà phố, biệt thự, tòa tháp căn hộ ven sông Hàn
Thời gian qua, nhiều người đi trên cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) hướng từ quận Hải Châu qua quận Sơn Trà, khi nhìn xuống bên phải cầu phía phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) thì thấy có một vệt đất nhôi ra giống như một hình bình hành, trên vệt đất đó nhân công, máy móc đang hoạt động san ủi đất đá, làm đường chuẩn bị cho một dự án bất động sản mà được cho là phân lô bán nền.
Du an bat dong san ben song Han co anh huong toi dong chay?
Vệt đất nhôi ra giống như một hình bình hành bên sông Hàn, gần phía Đông cầu Thuận Phước. 
Theo tìm hiểu, vệt đất này nằm trong tổng thể dự án Bất động sản và Bến du thuyền (có tên thương mại là Marina Complex), Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng được cho là đang triển khai dự án này với 11,7ha, chia làm hai giai đoạn.
Vệt đất này nằm trong giai đoạn 2 của dự án và được triển khai từ tháng 3/2017 với các hạng mục như xây kè bao gần 1.000m, san nền để làm dãy biệt thự, nhà phố với 128 căn nhà phố liền kề, 78 căn biệt thự; 2 tòa tháp căn hộ, khách sạn và bến du thuyền...
Theo ông Thái Ngọc Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thì theo quy hoạch cũ (từ năm 2011) dự án này có tới 11 tháp cao tầng (từ 16-33 tầng). Đến năm 2015, có một công ty mua cổ phần rồi xin chia lô biệt thự. Bây giờ còn 2 tháp cao tầng (đã bỏ 9 tháp).
Liệu dự án có ảnh hưởng tới dòng chảy của sông Hàn?
Du an bat dong san ben song Han co anh huong toi dong chay?-Hinh-2
Hiện dự án này đang san ủi đất đá, làm đường... 
Giai đoạn 2 của dự án được triển khai xây dựng với vệt đất này đã có nhiều ý kiến trái chiều, lo ngại về việc thu hẹp mặt cắt ngang lòng sông, ảnh hưởng dòng chảy của sông Hàn, đặc biệt trong mùa mưa lũ.
Trên thực tế thì lo ngại này cũng đã được phản ánh từ tháng 4/2016. Thời điểm đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có trả lời về vấn đề này. Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, để hướng dòng chảy sông Hàn nhằm không gây sạt lở khu vực hạ lưu sông Hàn, ngay từ thời Pháp thuộc tại khu vực hiện nay là dự án BĐS và Bến du thuyền Đà Nẵng về phía Mân Quang đã xây dựng kè đá. Qua hàng năm, thành phố chỉ đạo các đơn vị gia cố tuyến kè đá này.
Với mục đích đảm bảo an toàn cho khoảng 500 ngàn người dân tại các khu đô thị Mân Quang, khu dân cư Làng cá Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ các công trình kiến trúc, lịch sử, công trinh công cộng và cơ sở hạ tầng (đường Trần Hưng Đạo và đường Lê Văn Duyệt chạy dọc sông, mố cầu Thuận Phước, các nhà máy chế biến thủy hải sản…), Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị khảo sát điều kiện địa hình địa chất, nghiên cứu dòng chảy sông Hàn vào các mùa…và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để quy hoạch tuyến đê, kè Mân Quang đoạn nối tiếp đê, kè Bạch Đằng Đông, quận Sơn Trà.
"Dự án này được TP Đà Nẵng phê duyệt lần đầu tại QĐ số 906/QĐ-UBND ngày 26/1/2011 với quy mô 175.512m2, trong đó phần diện tích đất liền là 105.520m2 qua các lần điều chỉnh, dự án được phê duyệt quy hoạch gần nhất tại QĐ số 658/QĐ-UBND ngày 3/2/2016.
Theo đó, phần ranh giới dự án được tính từ mép trong công trình đê, kè sông Hàn trở vào trong, với mục đích chống sạt lở bờ sông, bảo vệ công trình kiến trúc, lịch sử công trình công cộng và cơ sở hạ tầng hai bên bờ sông Hàn, không ảnh hưởng tới bờ kè đá đã được xây dựng và gia cố hàng năm", văn bản trả lời ý kiến công dân của Sở Xây dựng Đà Nẵng vào tháng 4/2016 nêu rõ.
Trong lúc đó, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và Dải biển Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng thì cho rằng việc thu hẹp lòng sông Hàn nó sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy.
Ông Diệm phân tích, khu vực này là cửa sông Hàn có quy luật khác một chút, đó là nó bị hai dòng nước ngược chiều nhau; khi ở dưới biển đẩy vào, khi thì ở trên nguồn đẩy xuống.
"Bình thường một dòng sông mà bị một phía thì nó đã chịu không nổi rồi, huống hồ gì đây là hai bên. Dòng sông hẹp lại thì nó sẽ phá vỡ hai bên bờ sông. Bây giờ hai bên cửa sông Hàn đều kè bê tông cả thì nó sẽ phá ở dưới lòng sông. Mặt đất trên bờ sông nó chỉ dày khoảng 2-3m thôi nên nó cứng, nhưng dưới đáy là bùn và đất cát.
Lượng nước nó mạnh nó sẽ cuốn trôi lớp bùn, cát dưới lòng sông đi; nó moi móc các thành như cái hầm, dần dần tạo thành những "ổ bạch tuộc", những hầm sâu dưới lòng sông. Đến một ngày nào đó mưa gió làm cho đất ở trên mềm và công trình xây dựng ở trên đất nặng thì nó sẽ sập xuống, chuyện này nó đã xảy ra rất nhiều ở một số địa phương rồi. Nếu ai đó nói không ảnh hưởng gì tới dòng sông thì đôi lúc họ chỉ mới thấy những gì ở trên mặt sông thôi, chứ chưa hiểu nó đang phá ngầm ở dưới đáy sông và xung quanh hai bờ sông", ông Diệm cho biết.
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Thái Ngọc Trung, nếu đứng trên cầu Thuận Phước nhìn xuống thấy một kè đá, trên đó có một ngọn hải đăng nhỏ, thì dự án này nó nằm khuất sau cái kè đá này. Kè đá đó mục đích là nắn dòng sông Hàn đoạn này để chuyển luồng tàu chạy để khỏi bồi lấp luồng tàu. Tất cả các nguyên tắc sau kè đó thì không có ý nghĩa về cả dòng chảy.
"Thực sự đất chỗ dự án đó hồi xưa là của Biên phòng thành phố, sau đó giải tỏa đi, chứ cũng không ai lấn sông đâu, đa phần đất của Biên phòng hết", ông Trung nói và cho biết nếu để dự án như quy hoạch ban đầu là 11 tháp cao tầng với khoảng 10.000 dân, và hiện nay với 52 căn biệt thự khoảng 200 dân thì cái nào gây áp lực giao thông hơn?.
Nên tổ chức hội thảo khoa học?
Theo ông Hồ Duy Diệm, vừa qua Bộ Xây dựng đã có thông báo là phải kiểm tra lại mật độ xây dựng ở khu vực nào mà nó quá dày đặc rồi thì không được xây dựng thêm nhà cao tầng ở đó nữa. Trong lúc đó, khu vực này hiện mật độ xây dựng đã rất cao rồi, nhưng họ xây thêm hơn 100 nhà phố liền kề, mấy chục biệt thự, 02 lock nhà cao tầng…
Tự nhiên tập trung ở đây một lượng người rất lớn mà không có đất làm trường học, bãi đỗ xe, gây nên mật độ dân cư quá dày đặc nên khu vực này sẽ mất đi vẻ bình an, người ta thường gọi là "vấn nạn đô thị".
"Một dòng sông đang êm đềm và đẹp như thế, anh làm chỗ này lồi một tý, chỗ kia lồi thêm một tý khiến dòng sông nó không còn như xưa nữa, cảnh quan xấu đi. Nếu nói dự án phù hợp với quy hoạch thì phù hợp như thế nào?
Hiện nay thành phố đang điều chỉnh quy hoạch và mời đối tác nước ngoài để điều chỉnh quy hoạch thì phải giữ hiện trạng lại để người ta điều chỉnh chứ. Nếu triển khai làm thì người ta làm sao điều chỉnh được nữa", ông Diệm nói.
Theo ông Diệm thì phải tổ chức hội thảo khoa học để các nhà khoa học phân tích, hiểu cho đúng rồi mới triển khai. Nếu mai kia mà không hội thảo khoa học, không nghe góp ý…thì bờ sông nó sụp xuống thì ai chịu trách nhiệm?.
"Không phải bây giờ nó đổ sụp liền đâu, mà vài ba năm nữa, sau này lòng sông bị moi hết cát đẩy ra biển thì nó bị sụp", ông Diệm nhấn mạnh.
Trong lúc đó, theo một vị nguyên là đại biểu HĐND TP Đà Nẵng chia sẻ, việc các nhà đầu tư chặn lối ra biển và lấp sông rất là báo động ở nhiều tỉnh thành. Riêng ở Đà Nẵng thì UBDN TP đã tích cực tháo mở các lối cho dân cư ra biển được một phần . Còn các dòng sông bị lấn lấp như đoạn cuối, đoạn giữa và hai bên bờ sông Hàn; đoạn các sông giao nhau với sông Hàn là sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò nay chỉ còn như con lạch...
"Chính quyền thành phố cần khẩn cấp tìm mọi biện pháp trả lại hiện trạng ban đầu của các con sông, chỉ ưu tiên khai thông mà không lấn, lấp", vị này nhấn mạnh.
Còn ông Diệm cho rằng, hai bên bờ sông Hàn là một vườn cây, vườn hoa, là nơi để lưu thông không khí. Nếu hai bên bờ sông Hàn dựng nhà hết lên thì đâu còn nhìn thấy sông nữa. Nếu chỗ dự án mà làm kè như trước đây đã làm đoạn từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý thì sẽ có bờ sông rộng và đẹp, buổi sáng hay chiều người dân tập thể dục, hít thở không khí trong lành, tầm nhìn đẹp…tại sao lại không để như thế.
"Anh lấn sông một cách khôn ngoan, một cách khoa học, tức là dòng chảy dưới vẫn chảy, trên bờ vẫn trống thì vẫn tốt chứ. Chứ còn anh lấn mà đổ cát xuống biển, kè xuống sông rồi làm dòng chảy hẹp lại và xây nhà cửa lên đó thì chỉ được phần của anh thôi, chứ người dân được cái gì?", ông Hồ Duy Diệm chia sẻ.
Trong một diễn biến liên quan, thông tin trên mạng cho rằng bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty CP Quốc Cường Gia Lai) được cho là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng, phóng viên đã liên lạc với bà Loan qua điện thoại để tìm hiểu thêm thông tin dự án thì được bà Loan cho biết đang bận họp và đang đi công tác và sẽ có thông tin trả lời báo chí sau.
"Chị không phải chủ của công ty đó, chị chỉ có cổ phần thôi", bà Loan nói.
Theo Đức Hoàng/Tổ quốc

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN