HUD giảm quy mô dự án Khu đô thị Việt Hưng: Ai hưởng lợi?

ĐBQH đề nghị phải xem xét kỹ việc điều chỉnh dự án Khu đô thị Việt Hưng, không thể vì lợi ích nhóm hay lợi ích riêng của nhà đầu tư.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Tổng Công ty HUD) vừa đề xuất điều chỉnh quy mô và ranh giới Dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới (KĐTM) Việt Hưng (quận Long Biên, TP Hà Nội) từ 302,5 ha xuống 223,6 ha.
HUD giam quy mo du an Khu do thi Viet Hung: Ai huong loi?
Phối cảnh tổng thể khu đô thị mới Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên. 
Trong đó, quy mô diện tích và ranh giới dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự điều chỉnh giảm từ 93,6 ha xuống 13,1 ha; quy mô diện tích và ranh giới dự án khu đô thị Việt Hưng không thay đổi (210,5 ha).
Tổng công ty HUD cũng đề xuất điều chỉnh tăng quy mô nguồn vốn đầu tư và lùi tiến độ thực hiện dự án thêm 15 năm.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, việc xây dựng chung cư, nhà cao tầng ở Long Biên, vùng ngoại thành Hà Nội là phù hợp với quy hoạch chung của Hà Nội cũng như thực trạng dân số đông của nội đô Hà Nội hiện nay, cần khuyến khích nhà đầu tư thực hiện.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc xây dựng nhà cao tầng, chung cư phải đảm bảo đúng quy chuẩn của ngành xây dựng và quy hoạch đô thị. Theo đó, bên cạnh các chỉ tiêu về diện tích, số tầng cao, mật độ xây dựng và khoảng lùi, khoảng cách giữa các tòa nhà..., chủ đầu tư bắt buộc phải đáp ứng các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
"Quy hoạch đô thị đã phải thận trọng và chú ý đến những vấn đề này, các cơ quan quản lý cũng phải bắt buộc nhà đầu tư tuân thủ cho nghiêm túc, không thể để "trắng" hay thiếu hạ tầng như điện, đường, trường học, công viên, khu vui chơi... cho người dân ở dự án đó.
Nếu chủ đầu tư chỉ xây nhà để bán mà không có gì để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân nơi đó thì bản thân những nhà lập quy hoạch, cơ quan quản lý đã phê duyệt dự án pahir xem xét lại cho thật kỹ càng và chu đáo, không thể vì lợi ích nhóm hay lợi ích riêng tư, cục bộ của nhà đầu tư mà đồng ý cho họ xây nhà bán mà thiếu hạ tầng thiết yếu đi kèm", đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ.
Bên cạnh đó, ông cũng thẳng thắn cho rằng, chủ đầu tư không thể viện lý do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để rồi xin điều chỉnh dự án mà không tính đến lợi ích của người dân.
"Cơ quan quản lý có thể xem xét khó khăn của chủ đầu tư để có biện pháp tháo gỡ nhưng như tôi đã nói, về nguyên tắc phải đảm bảo quy hoạch. Giải phóng mặt bằng đương nhiên thường gặp khó khăn nhưng chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân làm cho được, chủ đầu tư có lợi thì người dân cũng phải có lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Đừng lấy lý do giải phóng mặt bằng khó khăn rồi dẹp các yêu cầu về hạ tầng xung quanh sang một bên, chỉ tập trung xây nhà rồi bán. Nếu nhà đầu tư này không làm được thì dừng lại để cho nhà đầu tư khác vào, đừng chỉ chăm chăm vào một nhà đầu tư.
Tôi nghĩ địa phương phải thực hiện quản lý chặt chẽ vấn đề này, không thể để nhà đầu tư tự tung tự tác và phải trả lời được câu hỏi liệu có hay không lợi ích nhóm hay lợi ích cục bộ ở đây", vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói thẳng.
Một điểm được đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý, đó là việc điều chỉnh quy hoạch hay điều chỉnh dự án phải được lấy ý kiến của người dân khu vực được quy hoạch hay có dự án bởi đó là đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh ấy.
"Đừng làm qua loa, đại khái, người dân không hiểu, không biết, cuối cùng dự án làm chụp giật cũng khó thành công.
Hà Nội không thể để lặp lại bài học của nhiều khu đô thị mới, khu chung cư phá vỡ quy hoạch, chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây nhà mà quên mất hạ tầng xung quanh mà khu đô thị Linh Đàm là một ví dụ điển hình", vị ĐBQH nhấn mạnh.
Theo Thành Luân/Báo Đất Việt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN