Cụ thể, Công ty Hoàng Gia Đà Lạt đề nghị điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 875,6 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu hơn 848 tỷ đồng và vốn huy động gần 1.652 tỷ đồng). Diện tích đất sử dụng mở rộng quy mô đầu tư hơn 62 ha, tiến độ thực hiện từ 2022 - 2025.
Nếu được chấp thuận, chủ đầu tư này sẽ bổ sung hạng mục đầu tư xây dựng mới công viên chuyên đề, công trình Tòa nhà CLB Golf tại Sân Golf Đồi Cù.
Sở Xây dựng cho biết theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp này, đến ngày 1/3 thì tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp là 875,6 tỷ đồng. Trong đó vốn góp hơn 848 tỷ đồng và vốn vay hơn 27,5 tỷ đồng. Như vậy, vốn chủ sở hữu và vốn huy động của công ty cần đảm bảo để đầu tư các hạng mục xây dựng mới công viên chuyên đề, công trình Tòa nhà CLB Golf tại sân golf Đồi Cù.
Về khả năng huy động gần 1.652 tỷ đồng, ngày 8/3 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (quận 3, TP HCM) có hứa cấp tín dụng số 331/2022. Trong đó đồng ý xem xét cấp cho Công ty Hoàng Gia Đà Lạt số tiền gần 1.652 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục nêu trên nếu công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp tín dụng theo quy định. Thời hạn có hiệu lực đến hết ngày 31/12.
Sở Tài chính cho rằng năng lực tài chính theo hồ sơ của Công ty Hoàng Gia Đà Lạt là đảm bảo để mở rộng quy mô dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt.
Ngoài ra, Sở Tài chính nhắc lại, tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần thứ 9 năm 2018 có quy định, khi hết thời hạn hoạt động 50 năm kể từ tháng 8/1991, toàn bộ tài sản cố định của Công ty Hoàng Gia Đà Lạt sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho đại diện hợp pháp của tỉnh Lâm Đồng mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Tài sản này tại thời điểm chuyển giao phải hoạt động bình thường.
|
Khách sạn Dalat Palace. Ảnh: Royal DL. |
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Hoàng Gia Đà Lạt tiền thân là Công ty Cổ phần Khu nghỉ mát Đà Lạt được thành lập năm 1991. Doanh nghiệp này hiện là chủ sở hữu khách sạn Dalat Palace Heritage, Du Parc Dalat cùng sân golf Dalat Palace Club.
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, doanh nghiệp này đang có chủ sở hữu gồm 3 cổ đông chính gồm: Bà Dương Trương Thiên Lý (Á hậu trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam đầu tiên tổ chức vào năm 2008) với số vốn gần 661,5 tỷ đồng, chiếm 78%; bà Nguyễn Thị Kim Phương và ông Nguyễn Hoàng Vũ mỗi người góp hơn 93 tỷ đồng, nắm 11%.
Đầu tháng 6/2021, khi Công ty Hoàng Gia Đà Lạt có hồ sơ xin điều chỉnh dự án đầu tư Khu nghỉ mát Đà Lạt, Sở Tài chính có văn bản số 1171 khẳng định công ty này không nợ các khoản thu do đơn vị theo dõi, quản lý.
Tuy nhiên gần 10 ngày sau, UBND TP Đà Lạt cho biết, tính đến tháng 6/2021 thì Công ty Hoàng Gia Đà Lạt thuộc sở hữu của Á hậu Dương Trương Thiên Lý nợ tiền ngân sách liên tiếp 3 năm từ 2017 đến 2019 với số tiền gần 32 tỷ đồng. Trong đó nợ ngân sách gần 30,8 tỷ đồng và hơn 1,2 tỷ tiền chậm nộp.
Cụ thể, năm 2017, doanh nghiệp này nợ đọng ngân sách hơn 7,5 tỷ đồng gồm hơn 6,9 tỷ đồng nợ tiền thuê đất và gần 600 triệu tiền chậm nộp; Năm 2018 nợ đọng hơn 12,2 tỷ đồng gồm 11,9 tỷ tiền thuê đất và hơn 320 triệu tiền chậm nộp; Năm 2019 nợ đọng ngân sách hơn 12,2 tỷ gồm 11,9 tỷ tiền thuê đất và hơn 320 triệu tiền chậm nộp.
Đến thời điểm tháng 6/2021, Công ty Hoàn Gia Đà Lạt vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nêu trên nên chính quyền TP Đà Lạt yêu cầu doanh nghiệp này nhanh chóng chấp hành.