Theo giới thiệu tại website doanh nghiệp, Công ty CP Sông Đà 6 có tiền thân là Công ty xây dựng Thuỷ Công, là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Sông Đà, thành lập ngày 01/05/1983 và được chuyển đổi thành công ty cổ phần từ ngày 01/01/2006. Trụ sở chính công ty đặt tại toà nhà TM, Khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, bưu điện, hạ tầng kỹ thuật, đường dây và trạm biến thế điện.
Sông Đà 6 hiện có vốn điều lệ hơn 347,7 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Sông Đà – CTCP góp vốn hơn 226 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ; vốn cổ đông khác góp 121,7 tỷ đồng, tương đương 35% vốn điều lệ. Tổng Giám đốc công ty kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Lê Tiến Thủ.
Lợi nhuận giảm sâu, Sông Đà 6 nói gì?
Báo cáo tài chính quý IV/2023 được công bố mới đây của Công ty CP Sông Đà 6 (mã: SD6) cho thấy, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 52 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng vọt lên 543% so với cùng kỳ, ở mức hơn 117 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn, do đó, lợi nhuận gộp của Sông Đà 6 ghi nhận âm 65,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 15,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí tài chính giảm 69% so với cùng kỳ, ghi nhận 3,3 tỷ đồng; trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 9%, lên mức 5,9 tỷ đồng. Doanh nghiệp không ghi nhận phát sinh chi phí bán hàng.
Sau khi khấu trừ chi phí, Sông Đà 6 báo lỗ trước thuế 75,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 4,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 75,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản dương gần 2,6 tỷ đồng ở quý IV/2022.
|
Lỗ ròng hơn 150 tỷ, soi tài chính Sông Đà 2023 (ảnh minh họa: Internet). |
Theo lý giải của Sông Đà 6, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2023 giảm 3.031% so với cùng kỳ năm 2022 là do một số công trình được công ty mẹ là Tổng Công ty Sông Đà - CTCP giao thầu thi công đến nay đã được kiểm toán có giá trị khối lượng bị cắt giảm gồm thủy điện Huội Quảng và thủy điện Đồng Nai 5.
Bên cạnh đó, các công trình thủy điện do chính Sông Đà 6 đấu thầu như: Thủy điện Sông Chò 2, Đồng Văn, Bảo Nhai 1, Bảo Nhai 2, Sông Mã 3, Đăk Mi 2, Bản Hồ, Trung Xuân đã quyết toán với chủ đầu tư nhưng hầu hết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tiến độ bị kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu.
Mặt khác, những vấn đề khác như cắt giảm khối lượng thi công, chậm tiến độ thi công so với kế hoạch, máy móc thiết bị dừng thi công nhưng vẫn phải khấu hao, công tác nghiệm thu chậm trễ… cũng gây ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Sông Đà 6 cũng cho biết do chưa thu xếp được nguồn vốn nên chủ đầu tư các công trình thủy điện Hạ Sê Kông A tại Lào và công trình thủy điện Đăk Mi 1 tại tỉnh Kon Tum đã giãn tiến độ thi công, làm ảnh hưởng đến kế hoạch doanh thu của công ty, đồng thời phát sinh các khoản chi phí ngoài dự kiến.
Kết thúc năm 2023, Sông Đà 6 mang về 150 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 23% so với năm trước, trong đó đóng góp chính vẫn từ các hợp đồng xây dựng đạt hơn 138 tỷ đồng (chiếm hơn 92% cơ cấu doanh thu), số ít còn lại đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng mạnh 84% so với cùng kỳ, lên 249 tỷ đồng, do đó dẫn đến lợi nhuận gộp âm hơn 99 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 58 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Sông Đà 6 âm hơn 150 tỷ đồng, trong khi trước đó năm 2022 dù có lãi nhưng lại rất “mỏng”, chỉ gần 78 triệu đồng.
Truyền thống "khất nợ" cổ tức
Trên bảng cân đối kế toán, tính đến hết năm 2023, tổng tài sản của Sông Đà 6 xấp xỉ 1.019 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm. Phần lớn trong đó là giá trị hàng tồn kho hơn 521 tỷ đồng (chiếm 51% cơ cấu tài sản), giảm 23% so với đầu năm. Cùng đó, Sông Đà 6 cũng ghi nhận hơn 408 tỷ đồng phải thu (chiếm 40%), giảm 16% so với đầu năm, trong đó đa phần là phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 259 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Sông Đà 6 tính đến ngày 31/12/2023 là hơn 736 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn, nợ dài hạn chỉ ghi nhận 100 triệu đồng. Vay nợ tài chính ngắn hạn ở mức gần 269 tỷ đồng, công ty không phát sinh vay nợ dài hạn. Vốn chủ sở hữu giảm về mức 282 tỷ đồng so với con số 432,8 tỷ đồng hồi đầu năm. Ngoài ra, với kết quả kinh doanh kém khả quan gần đây, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Sông Đà 6 đã âm hơn 173 tỷ đồng.
Ngoài kết quả kinh doanh kém tích cực, Sông Đà 6 còn được biết đến là một trong những công ty nợ cổ tức lâu nhất sàn chứng khoán. Cụ thể, Hội đồng quản trị Sông Đà 6 mới đây đã điều chỉnh thời gian trả cổ tức bằng tiền phần còn lại năm 2015 và đợt 1/2016 sang ngày 31/12/2024, với lý do chưa thu xếp được tiền để thanh toán theo kế hoạch.
Phần cổ tức năm 2015 đã được Sông Đà 6 chi trả đợt 1 với tỷ lệ 10% vào ngày 29/08/2016 và từ đó đến nay, công ty nhiều lần dời lịch trả 5% còn lại của năm 2015 và 5% của đợt 1/2016.
Xét tại thời điểm ngày đăng ký cuối cùng của hai khoản cổ tức này là 24/04/2018, khi đó Sông Đà 6 đang lưu hành gần 34,8 triệu cổ phiếu, tương ứng số tiền còn nợ cổ tức là gần 34,8 tỷ đồng.
Khoản cổ tức tưởng chừng như Sông Đà 6 phải thanh toán từ rất lâu nhưng cổ đông tiếp tục chờ đợi trong tương lai. Điều này phần nào phản ánh thực trạng kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Sông Đà này.