Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp sáng ngày 1/8, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, hiện nay thủ tục phê duyệt dự án đang khiến Vinhomes và rất nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn để thực hiện.
Ông Hoa nêu, thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội tối thiểu 600 ngày hoặc dài hơn. Do đó, ông đề nghị những bước nào làm song song được thì cho song song như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư…
Từ đó, thủ tục có thể rút ngắn xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ.
Ngoài ra, chính quyền thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500 với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội bình đẳng, trung thực với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Chủ tịch Vinhomes kiến nghị một vấn đề khác là chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.
|
Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Hoa nhắc tới vấn đề hiện nay tất cả đề án có nhà ở xã hội liên quan đến các chỉ tiêu mới về diện tích nhà ở xã hội 25 - 70 m2. Do vậy, tất cả các đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh lại vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tăng cả tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội… Điều này dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, nhưng nếu làm sẽ rất lâu.
Đại diện Vinhomes đề nghị Chính phủ vào cuộc, cho phép song song với các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu. Quy hoạch chi tiết 1/500 thì cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ; còn các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan nhà nước phê duyệt chứ doanh nghiệp không gia vào việc này.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group đề xuất các bộ, ngành xem xét không bố trí quỹ đất nhà ở xã hội với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trong trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất. Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đồng thời phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
|
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Sun Group. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Trường còn đề xuất mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, bao gồm tổ chức (có thể là doanh nghiệp) thay vì chỉ 10 đối tượng là cá nhân theo quy định Luật Nhà ở. Các tổ chức này có thể mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua, thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp mà có nhu cầu với giá ưu đãi.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội cũng cho rằngChính phủ, Nhà nước khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội nhưng phải để doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng, không để họ phải qua nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tính đến nay, cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2.
Tuy nhiên, con số trên chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn cũng như yêu cầu đặt ra, do đó việc phát triển nhà ở xã hội cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ sẽ chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022-2030.