Xí phần hàng ngàn ha đất công rồi bỏ hoang, Dofico Đồng Nai xin được trả lại đất cho nhà nước?

“Ì ạch” kéo dài dự án hơn chục năm, lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước, Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đang muốn trả lại đất cho nhà nước...
Mới đây, Đoàn giám sát đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai vừa thực hiện giám sát tại Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico - một trong 3 doanh nghiệp nhà nước đang quản lý số vốn, đất đai lớn nhất tỉnh Đồng Nai) về hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nhà nước giai đoạn 2019-2021.
Xi phan hang ngan ha dat cong roi bo hoang, Dofico Dong Nai xin duoc tra lai dat cho nha nuoc?
Đoàn giám sát đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thực hiện buổi giám sát tại Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) ngày 28/7/2022 

Tại buổi giám sát, vấn đề các đại biểu quan tâm là quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, làm rõ lộ trình thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa; hạn chế về quản lý đất đai, nhất là dự án Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico – dự án có diện tích thu hồi rất lớn nhưng chậm triển khai.                   

Đại diện Tổng công ty cho biết, dự án này chia thành 4 vị trí: 3A, 3B, 3C, 3D. Tại vị trí 3A ở xã Xuân Thành (H.Xuân Lộc) có diện tích hơn 188ha đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, hơn 175ha đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đã cho 5 nhà đầu tư trong nước thuê đất chăn nuôi, trồng trọt và tiếp tục kêu gọi đầu tư. Còn vị trí 3B, 3C ở xã Xuân Tâm, Xuân Hưng (H.Xuân Lộc), có diện tích gần 690ha, hiện đã bồi thường giải phóng mặt bằng gần 570ha nhưng không liền thửa nên doanh nghiệp không thể triển khai dự án. Khu 3D thuộc địa bàn xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) rộng 522ha, hiện bồi thường giải phóng mặt bằng được gần 100ha. Quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, một số khu vực thu hồi đất đã lâu nhưng không triển khai do không thu hút được nhà đầu tư. Hiện nay, ở nhiều khu vực, Tổng công ty đang thanh lý dự án, và có đề xuất được trả lại đất cho Nhà nước.
Xi phan hang ngan ha dat cong roi bo hoang, Dofico Dong Nai xin duoc tra lai dat cho nha nuoc?-Hinh-2
Một khu đất thuộc dự án Khu liên hợp công nông nghiệp của Dofico  

Được biết, từ năm 2007, dự án Dofico đã được Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu với hàng nghìn ha đất công giao cho Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai, thực hiện.

Theo đó, tổng diện tích dự án khoảng 2.186,6 ha, ở hai huyện là Xuân Lộc và Thống Nhất (Đồng Nai). Trong đó, có khoảng 1,493 ha đất công, chiếm 68,27%. 

Cụ thể, dự án được chia làm 5 phân khu, trong đó huyện Xuân Lộc có 4 phân khu (gồm 3A, 3B, 3C, 3D) với hơn 1.911 ha và phân khu dịch vụ, thương mại, Logistics tại xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, diện tích khoảng 275 ha. 

Để thực hiện đầu tư dự án, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đã được hưởng rất nhiều ưu đãi đặc thù. Trong đó, ngoài các quy định về cơ chế chính sách hiện hành đối với các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ và quy định pháp luật về đất đai, tài chính, Chính phủ đã chấp thuận ưu tiên đối với các dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội, khó khăn, các dự án này đồng thời được hưởng ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP.

Đồng thời, doanh nghiệp này còn được ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào dự án Dofico (gồm các dự án đầu tư hạ tầng, được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và tiền thuê đất tương ứng với lĩnh vực đầu tư. 

Song, mặc dù nhận được hàng loạt những ưu đãi mang tính chuyên biệt nhưng việc thực hiện đầu tư dự án, kêu gọi đầu tư vào dự án Dofico rất ít và hầu hết diện tích đất vẫn còn để hoang. Đến nay, dự án mới cho thuê được khoảng 28 ha; Khu dịch vụ, thương mại Logicstics tại xã Lộ 25 để không và chuyển giao cho đơn vị khác.

Lý giải cho việc dự án ì ạch kéo dài, gây lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước, Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai giải thích rằng, nguyên nhân chậm trễ có cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Đáng chú ý, nguyên nhân khách quan mà chủ đầu tư này chỉ ra đầu tiên là do chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư vào các khu nông nghiệp tập trung của Nhà nước chưa thật sự hấp dẫn và hiện trạng đất không liền thừa không thể đầu tư hạ tầng để mời gọi nhà đầu tư thứ cấp.

Được biết, Dofico hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Dofico có 18 đơn vị thành viên gồm công ty mẹ, 2 công ty TNHH MTV 100% vốn của Tổng công ty, 5 công ty cổ phần có tỷ lệ vốn Tổng công ty trên 50%, 9 công ty liên doanh, liên kết và 1 công ty đầu tư tài chính. Vốn điều lệ theo giấy đăng ký kinh doanh là hơn 3,4 nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2019-2021, tổng doanh thu bình quân hàng năm đạt hơn 1,9 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 308 tỷ đồng.

Bộ Công an điều tra dấu hiệu sai phạm tại dự án của Dofico

Ngày 23/12/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cung cấp thông tin, tài liệu để điều tra dấu hiệu sai phạm liên quan đến dự án Khu dân cư kết hợp công trình giáo dục trên đường Vũ Hồng Phô, phường Bình Đa, TP Biên Hòa.

Theo đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cung cấp tài liệu liên quan đến dự án với diện tích hơn 23.000 m2 do Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai TNHH MTV (Dofico) đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Nội dung thông tin tài liệu Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu yêu cầu cung cấp gồm Dofico liên doanh với hai cá nhân để thành lập Công ty CP phát triển nhà Bình Đa (Bidaco); việc tăng vốn điều lệ từ 90 tỷ lên 150 tỷ của Biaadaco; Dofico thoái vốn tại Bidaco vào năm 2018. 

Đồng thời Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cung cấp hồ sơ xoay quanh việc Dofico cho Công ty liên doanh chế biến lâm sản xuất khẩu Bihimex - Yong Linh (Bilico) kinh doanh sản xuất trên diện tích 23.000 m2 đất ở vị trí trên. Ngoài ra, còn hồ sơ thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu trong quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá tài chính, hạch toán phân phối lợi nhuận đối với Dofico về dự án.

Liên quan đến vụ việc này, năm 2011, thời điểm thành lập Bidaco, Dofico góp hơn 22 tỷ đồng, tương ứng với 24,4% vốn điều lệ. Số vốn này được góp bằng giá trị tài sản và vị trí địa lý khu đất. Thời điểm bấy giờ, theo đề án thành lập Bidaco, dự kiến xây dựng tại Dự án 235 căn hộ nhà ở, gồm: nhà phố liền kề, biệt thự song lập và chung cư 10 tầng cho khoảng 940 người và mang lại tổng doanh thu cho Bidaco 466 tỷ đồng. Trong đó lãi ròng hơn 54 tỷ đồng và thời gian hoàn vốn trong vòng 2 năm. 

Cuối năm 2018, Dofico có văn bản đề nghị thoái hết vốn tại Bidaco. Lúc này, tổng giá trị thực tế phần vốn chủ sở hữu là hơn 214 tỷ đồng, trong đó giá trị quyền sử dụng đất là hơn 180 tỷ đồng. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chấp thuận cho Dofico chuyển nhượng hết vốn tại Bidaco.

Hải Đăng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN