Chủ dự án Peninsula Đà Nẵng: Doanh thu trăm tỷ nhưng lỗ lũy kế ‘ăn mòn’ vốn chủ

CTCP Tập đoàn Đông Đô - chủ dự án Peninsula Đà Nẵng là chủ đầu tư của nhiều dự án vốn trăm tỷ nhưng lại báo lỗ lũy kế 60 tỷ đồng “ăn mòn” đến cả vốn chủ sở hữu.
Thời gian gần đây, dự án Peninsula Đà Nẵng của Tập đoàn Đông Đô lại được quảng cáo mở bán rầm rộ trở lại sau loạt lùm xùm huy động vốn trái phép. Lùm xùm là vậy nhưng ít ai biết rõ về tình hình tài chính của ông chủ dự án này.
Chủ đầu tư loạt dự án bất động sản trăm tỷ
CTCP Tập đoàn Đông Đô tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Đông Đô được thành lập ngày 10/6/1992. Đến tháng 8/2023 chuyển đổi thành CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Thăng Long. Trên cơ sở hợp nhất với các cổ đông đối tác chiến lược và trở thành CTCP Tập đoàn Đông Đô ngày nay.
Doanh nghiệp có địa chỉ tại Khu sinh thái Thăng Long, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ngành nghề chính của doanh nghiệp là hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan.
Ngày đầu mới thành lập, Tập đoàn Đông Đô có vốn điều lệ là 179 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Phạm Đức Thắng. Ông Thắng sinh năm 1963, thường trú tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông Phạm Đức Thắng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Đông Đô.
Tính đến nay, Tập đoàn Đông Đô đã tăng vốn điều lệ lên 679 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so thời điểm mới thành lập. Cổ đông của doanh nghiệp này gồm có: ông Đinh Thái Hoàng, ông Chu Nguyên Sinh, bà Nguyễn Thị Kim Dung và một số cổ đông khác.
Ngoài địa chỉ trụ sở chính, Tập đoàn Đông Đô còn có một chi nhánh tại tỉnh Thái Bình đặt tại Lô D, Cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư, Thái Bình.
Chu du an Peninsula Da Nang: Doanh thu tram ty nhung lo luy ke ‘an mon’ von chu
 Bên ngoài dự án Peninsula Đà Nẵng của Tập đoàn Đông Đô.
Đến nay, Tập đoàn Đông Đô được là chủ đầu tư một số dự án bất động sản lớn như: Dự án Cụm Công nghiệp nam Phú Nghĩa huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (73,9 tỷ); Khu Đô thị sinh thái Thăng Long, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội (500 tỷ); Dự án Khu nhà ở Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội (141,0 tỷ); Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm Công nghiệp thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư, Thái Bình (101,8 tỷ).
Bên cạnh đó, Tập đoàn Đông Đô còn đầu tư Dự án Chợ bán buôn nông, lâm sản Đông Phương Yên, Hà Nội (138,6 tỷ); Dự án khu dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái Cửa Ông tại khu 4B, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh (3.014 tỷ).
Thua lỗ ăn mòn vốn chủ sở hữu
Nổi tiếng là ông lớn bất động sản với các dự án vài trăm tỷ nhưng doanh thu của Tập đoàn Đông Đô đi xuống và báo lỗ liên tiếp trong 2 năm qua, theo đó lỗ lũy kế đã lên đến 60 tỷ đồng tại ngày cuối năm 2023.
Cụ thể, theo BCTC năm 2023, Tập đoàn Đông Đô ghi nhận doanh thu hơn 290 tỷ đồng, giảm 5% so năm trước. Giá vốn chiếm đến 281 tỷ đồng khiến lãi gộp chỉ còn gần 9 tỷ đồng. Đáng nói, chi phí tài chính tăng mạnh chiếm 21 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí lãi vay) so mức 16 tỷ đồng của năm trước, trong khi doanh thu tài chính không đáng kể chỉ 7 triệu đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm cũng tăng 26% lên 7,7 tỷ đồng. Sau cùng, Đông Đô báo lỗ gần 19 tỷ đồng năm 2023, trong khi con số lỗ năm trước chỉ hơn 15,2 tỷ đồng. Theo đó lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 của chủ dự án Peninsula Đà Nẵng gần 60 tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ còn 620 tỷ.
Tại ngày cuối năm 2023, tài sản của chủ dự án Peninsula Đà Nẵng ở mức 1.134 tỷ đồng, chiếm đa số là tài sản dở dang hơn 806,8 tỷ đồng, bên cạnh đó có đến 200 tỷ đồng đầu tư vào đơn vị khác.
Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2023 chiếm 514,5 tỷ đồng, tăng 11% so đầu năm. Trong đó, khoản vay nợ tài chính ngắn và dài hạn của Đông Đô ở mức 446,67 tỷ đồng, tăng 3% so đầu năm. Khoản vay nợ gia tăng là nguyên nhân khiến chi phí tài chính trong năm 2023 tăng mạnh 30% lên 21 tỷ đồng.
Năm 2023, khoản chi khác cho hoạt động kinh doanh gần 200 tỷ đồng kéo theo khoản lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 24 tỷ đồng, năm trước khoản này cũng âm 112 tỷ đồng. Theo đó lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 12 tỷ đồng.
(Còn tiếp)...
Minh Châu

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN