Chiều 3/11, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đây là lần đầu tiên ông Nghị trả lời chất vấn kể từ khi giữ cương vị Bộ trưởng Xây dựng.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặt vấn đề, thị trường tài chính, thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế giống như ba chân kiềng, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong dự báo thế giới có thể rơi vào nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.
“Bộ trưởng cho biết dự báo về xu thế phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam trong thời gian tới như thế nào? Những khó khăn, vướng mắc, đang gặp phải sẽ được giải quyết thế nào?, ông Cường hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận thị trường bất động sản nước ta hiện nay còn một số hạn chế, tồn tại như: Hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và một số vi phạm pháp luật khác vẫn còn tồn tại, bất cập cần phải sửa đổi.
Việc triển khai đầu tư xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, dẫn đến nguồn cung bất động sản sụt giảm. Vì vậy, số lượng nhà ở thương mại có giá phù hợp với đa số người lao động còn thiếu; nhà ở xã hội, nhà công nhân cũng thiếu.
|
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Giá bất động sản cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường bất động sản tại địa phương còn bất cập. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro…
Người đứng đầu ngành xây dựng cho biết thị trường bất động sản có biến động do chịu tác động của tình hình kinh tế vĩ mô, các kênh đầu tư khác không ổn định so với kênh đầu tư bất động sản, nguồn cung các loại bất động sản quá thiếu hoặc quá thừa so với nhu cầu, chính sách tài chính tín dụng cho bất động sản bị hạ thấp hoặc thắt chặt, thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản…
Theo ông Nghị, Bộ Xây dựng dự báo thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, nguồn cung tiếp tục bị hạn chế. Cơ cấu có cải thiện nhưng còn hạn chế. Các phân khúc như nhà ở xã hội, nhà giá rẻ nhu cầu còn lớn.
Bộ sẽ tập trung các giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát cơ cấu tín dụng bất động sản, sử dụng đúng mục đích, cho vay đúng dự án tốt, ưu tiên cho vay nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, kiểm soát vốn từ trái phiếu, cổ phiếu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc dự án đang triển khai…