Chấm dứt dự án hơn 4.300 tỷ vì không có đất sạch
UBND tỉnh Bình Định vừa đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy sản xuất ván MDF, HDF và OKAL Bình Định (tại khu phố Giao Hội 1, phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn) của Công ty CP Lâm nghiệp Kim Thành Lập.
Lý do, nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định.
Theo giải trình của Công ty CP Lâm nghiệp Kim Thành Lập, trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để đầu tư dự án, doanh nghiệp đã gặp các khó khăn vì cụm công nghiệp Giao Hội chưa có quyết định thành lập nên công tác giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật chưa được thực hiện.
Đồng thời, tiền giải phóng mặt bằng tại thị xã Hoài Nhơn quá cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
Cùng với đó, vị trí cụm công nghiệp Giao Hội trên thực tế là một vùng đồi núi. Sau khi doanh nghiệp tiến hành đo đạc, khối lượng phải đào là 15 triệu m3 đất, khối lượng đất cân bằng đào đắp tại chỗ chỉ khoảng 1 triệu m3, như vậy khối lượng đất còn dư là 14 triệu m3. Với khối lượng đất phải đào này chỉ cấp được nhà dân, công trình nhỏ.
Theo các nhà chuyên môn, dự kiến phải mất ít nhất từ 4 - 5 năm, cụm công nghiệp này mới có thể hoàn thành, đồng nghĩa với việc dự án muốn triển khai phải chờ đời từng đó năm và sẽ mất hoàn toàn cơ hội đầu tư.
Những năm qua, tình hình dịch bệnh kéo dài, suy thoái kinh tế. Vì vậy, doanh nghiệp quyết định chấm dứt thực hiện dự án.
Được biết, vào năm 2021, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Nhà máy sản xuất ván MDF, HDF và OKAL Bình Định cho Công ty CP Lâm nghiệp Kim Thành Lập.
Nhà máy được xây dựng tại khu phố Giao Hội 1 (phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn) với diện tích khoảng 45 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.371 tỷ đồng; quy mô sản xuất của giai đoạn 1 gồm: Sản xuất 180.000m3 ván dăm OKAL/năm; sản xuất 425.250 m3 sản phẩm ván gỗ/năm (trong đó, ván gỗ MDF là 232.500 m3/năm; ván gỗ HDF là 192.750 m3/năm).
Nhiều địa phương chưa chú trọng đến thu hút đầu tư
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định, trong quý I/2024, đơn vị đã chấm dứt 6 dự án đầu tư (do nhà đầu tư tự đề nghị chấm dứt).
Đồng thời, hết quý I, toàn tỉnh Bình Định đã thu hút 13 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2.023 tỷ đồng (đạt 13% so với chỉ tiêu đề ra). Thực hiện điều chỉnh 17 dự án với vốn đầu tư tăng thêm 267,2 tỷ đồng.
Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định cho hay, trong quý đầu tiên năm 2024, địa phương chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ để đem lại nguồn thu lớn.
Ngoài ra, các địa phương vẫn chưa chú trọng đến công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các địa phương chưa có dự án đầu tư mới.
Công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương như: huyện Phù Mỹ, huyện Vân Canh, TP. Quy Nhơn… còn triển khai rất chậm, ảnh hưởng đến tình hình triển khai đầu tư dự án của các nhà đầu tư.
Đơn cử như dự án Nhà máy may Vinatex Mỹ Chánh do Công ty CP Vinatex Đà Nẵng đăng ký đầu tư; dự án Nhà ở xã hội Nhơn Phú 2 của Công ty TNHH SOLRISE Nhơn Phú; dự án Xưởng sản xuất bàn ghế nhựa giả mây của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu VIC; dự án Khu kho bãi, dịch vụ, logistics (KB-DV 04) và (KBDV 05) của Công ty TNHH Nông Trại Xanh…).
Nhiều dự án đầu tư thuộc diện đề xuất tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thủ tục lập, phê duyệt, tổ chức lựa chọn vẫn còn chậm, không đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch giao.
"Nhiều dự án không triển khai hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ và kéo dài trong nhiều năm gây lãng phí tiềm lực, ảnh hưởng nhân dân xung quanh khu vực dự án", lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định thông tin thêm.