Bát nháo căn hộ chung cư, condotel tự doanh kéo tụt du lịch Việt

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tình trạng buông lỏng quản lý với hàng nghìn căn hộ du lịch, căn hộ condotel... ảnh hưởng đến chất lượng, cơ sở lưu trú tác động trực tiếp đến du lịch Việt.
Cung cấp dịch vụ kém chất lượng
Trong những năm qua, tại nhiều địa phương đặc biệt các thành phố du lịch phát triển như Đà Nẵng, Nha Trang…đã xuất hiện hàng nghìn căn hộ ở các dự án chung cư ven biển, các dự án condotel chủ sở hữu tự cho thuê, kinh doanh (căn hộ tự doanh). Qua tìm hiểu, khảo sát nhiều căn hộ được chủ sở hữu bán trực tiếp trên mạng Internet và không hề đăng ký kinh doanh hoạt động lộn xộn, bát nháo.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc buông lỏng quản lý các căn hộ tự doanh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, cơ sở lưu trú du lịch và phát sinh tình trạng bát nháo trong cùng một dự án. Thậm chí dẫn tới những cạnh tranh không lành mạnh.
Bat nhao can ho chung cu, condotel tu doanh keo tut du lich Viet
Việc tự cho thuê kinh doanh sẽ dẫn đến chuyện trang bị các căn hộ là khác nhau, chất lượng trang thiết bị khác nhau, giá khác nhau…tạo nên sự báo nháo (Ảnh: Bên trong các căn hộ cho thuê du lịch tại TP Nha Trang được thiết kế như một căn hộ chung cư, mỗi căn một kiểu). 
“Chỉ lấy một ví dụ đơn giản một tòa nhà condotel khoảng 7 tầng mỗi tầng khoảng 10 căn bây giờ mỗi chủ sở hữu lại là một chủ tự vận hành cho thuê căn hộ thì ai là người phục vụ từng phòng. Việc tự cho thuê kinh doanh sẽ dẫn đến chuyện trang bị các căn hộ là khác nhau, chất lượng trang thiết bị khác nhau, giá khác nhau, quản lý vận hành khác nhau… Từ những điểu khác nhau trên dẫn mẫu số chung là bát nháo” – ông Châu nói.
Cùng quan điểm này, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhận định nếu một dự án có quá nhiều hình thức kinh doanh sẽ gây ra một số vấn đề và rủi ro trong việc vận hành.
Theo ông ông Mauro Gasparotti, một trong những bất cập lớn nhất hiện nay mà chủ sở hữu căn hộ du lịch nên nhận thức đó là là sự thiếu hụt trong công tác quản lý vận hành và chương trình cho thuê.
"Đối với những dự án như vậy, các căn hộ du lịch thường không được bảo trì, nâng cấp thường xuyên để duy trì chất lượng. Bên cạnh đó, việc thiếu bộ máy quản lý tập trung dễ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong việc cho thuê giữa các căn căn hộ du lịch trong cùng một dự án, dẫn tới việc các chủ căn hộ buộc phải giảm giá thuê hoặc cung cấp các dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách lưu trú", ông Mauro Gasparotti nói.
Bat nhao can ho chung cu, condotel tu doanh keo tut du lich Viet-Hinh-2
Chuyên gia về bất động sản cho rằng, không nên khuyến khích chủ sở hữu tự vận hành căn hộ tự doanh mà nên thống nhất quản lý, vận hành, cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước. 
Mặt khác, ông Mauro Gasparotti còn nhấn mạnh, thực trạng bất cập trên còn có thể gây nên sự xuất hiện ồ ạt các nguồn cung với chất lượng quản lý không đạt chuẩn trên thị trường, ảnh hưởng đến tình hình du lịch chung của khu vực và khiến cho các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng được hoạch định tốt gặp khó khăn trong việc đạt được giá phòng cao.
Xây dựng quy chế quản lý
Từ thực tế hiện nay, ông Châu cho rằng cần phải xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ với hình thức kinh doanh này.
“Theo tôi cần phải phân định rõ việc kinh doanh căn hộ chung cư với căn hộ dịch vụ. Cho thuê du lịch là cho thuê theo buổi, theo ngày theo kiểu khách sạn thì rõ ràng đâu phải mục đích để ở ổn định lâu dài. Cho thuê nhằm mục đích du lịch thì không gọi đó là căn hộ chung cư thần túy mà đây là cơ sở lưu trú du lịch. Việc cho thuê các căn hộ chung cư này hiện nay được giao dịch thông qua các ứng dụng như Airbnb qua mạng internet nên khó quản lý. Luật Nhà ở có nêu là cấm sử dụng căn hộ chung cư không nhằm mục đích để ở. Vì vậy cần phải siết chặt vấn đề quản lý này theo đúng Luật Nhà ở” – ông Châu nói.
Còn đối với các căn hộ condotel, biệt thự, nhà phố trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng ông Châu cho rằng phải có quy chế quản lý.
“Về nguyên tắc một là thống nhất quản lý, hai là đảm bảo chất lượng cơ sở vật chất cũng như chất lượng dịch vụ, chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ. Đương nhiên như vậy chỉ là một chủ thể quản lý. Theo tôi, phải có bàn tay quản lý của nhà nước” – ông Châu nói.
Theo vị Chủ tịch Hiệp hội HoREA, đây là vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Bộ VH –TT- DL, Tổng Cục du lịch. Bộ Văn hóa phải quan tâm và họp bàn với các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tư pháp…
“Việc có quy chế là rất cần thiết nếu không sẽ ảnh hưởng đến trật tự an ninh, an toàn để bát nháo như hiện nay là rất nguy hiểm ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam” – ông Châu nêu ý kiến.
Theo Thiên Phú/Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN