Xây dựng chính sách đãi ngộ với cô đỡ thôn bản

“Mong các cô đỡ thôn, bản khắc phục các khó khăn, tiếp tục phát huy các kiến thức, kỹ năng của mình để giúp đỡ, chăm sóc cho các phụ nữ, trẻ em ở cộng đồng của mình, đóng góp vào việc giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở đồng bào dân tộc thiểu số tại những vùng khó khăn”.

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại buổi gặp mặt 30 cô đỡ thôn bản (CĐTB) đại diện cho hơn 3.000 cô đỡ từ các vùng miền khác nhau trong công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em.

Vượt lên khó khăn, nguy hiểm để giúp đỡ bà mẹ trẻ em

Là một trong 30 người tham gia buổi gặp mặt CĐTB tiêu biểu, cô đỡ Vàng Thị Mỉ, bản Hang Hóc, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Đường đi lên các thôn khá xa và nguy hiểm, có những ngày mưa không đi xe được em phải đi bộ khoảng 1-2 tiếng mới tới nơi.

Trong gần 6 năm làm công việc cô đỡ dù có vất vả nhưng em vẫn rất vui vì giúp được bà con. Đặc biệt, kiến thức về mang thai, chăm sóc sau sinh của bà con trong thôn cũng được cải thiện rõ rệt".

Cũng như cô đỡ Mỉ, 30 CĐTB tại lễ gặp mặt và hàng nghìn CĐTB dù vất vả, thậm chí đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng khi chọn nghề thì họ vượt lên tất cả, với một tấm lòng yêu thương, mong muốn các chị em phụ nữ ở khu vực khó khăn được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi gặp mặt

Phát biểu tại Hội Nghị "Cùng chung tay hỗ trợ CĐTB vì sức khỏe bà mẹ trẻ em vùng dân tộc thiểu số" ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nhấn mạnh: "Uỷ ban Dân tộc ghi nhận những công lao to lớn của đội ngũ các CĐTB, đã ngày đêm không quản nắng mưa, "vác tù và hàng tổng", đi từng ngõ, gặp từng nhà, tuyên truyền vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ DTTS trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em.

Hơn 3.000 cô đỡ người dân tộc thiểu số (DTTS), được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương. Thông qua dự án “Cô đỡ thôn” của Bộ Y tế, họ đã được tham gia khóa đào tạo về y tế kéo dài 6 tháng để cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Do cùng sống trong cộng đồng bản địa, hiểu phong tục tập quán, có cùng ngôn ngữ, CĐTB đã dễ dàng tiếp cận để tuyên truyền và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản, buôn làng. Kể từ khi những CĐTB đầu tiên được đào tạo cách đây 30 năm, đến nay mô hình này đã được nhân rộng trên nhiều tỉnh.

Chính nhờ sự tận tâm, tận lực của CĐTB đã góp phần giảm tỷ suất tử vong mẹ ở Việt Nam từ 165/100.000 trẻ đẻ sống năm 2000 xuống còn 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2019.

Xây dựng chính sách đãi ngộ đối với CĐTB

Với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, đến nay toàn quốc đã có 3.077 CĐTB được đào tạo.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, tính đến 31/01/2023 đã có 1.528 CĐTB được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, số CĐTB được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên Y tế thôn bản.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan và Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Bộ Y tế

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ CĐTB, đồng thời nhấn mạnh: CĐTB là đội ngũ rất quan trọng, là những cánh tay nối dài của ngành y tế đi đến tận thôn, bản, hộ gia đình để hỗ trợ chị em phụ nữ trong quá trình thai sản.

Bộ Y tế đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhân viên y tế này. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, hoạt động của các CĐTB có gặp một số khó khăn, chủ yếu do các chính sách về hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ chưa được thực hiện tốt.

“Tôi mong các cô đỡ thôn, bản khắc phục các khó khăn, tiếp tục phát huy các kiến thức, kỹ năng của mình để giúp đỡ, chăm sóc cho các phụ nữ, trẻ em ở cộng đồng của mình, đóng góp vào việc giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở đồng bào dân tộc thiểu số tại những vùng khó khăn”, Bà Đào Hồng Lan nói

Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị ngành Y tế các cấp phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng và thực thi đầy đủ các chính sách đãi ngộ đối với CĐTB, nhằm hỗ trợ, động viên cho đội ngũ CĐTB yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến sức lực của mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Bộ Y tế ghi nhận mạng lưới Cô đỡ thôn bản đã góp phần không nhỏ vào thành tựu của Việt Nam trong việc hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước đây và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay” – Đào Hồng Lan nhấn mạnh

Thúy Nga