Ở chân có 6 đường kinh, trong đó, đáng chú ý là kinh Tỳ, Can và Thận. Điều chỉnh 3 đường kinh này sẽ giúp tuần hoàn máu lưu thông, giúp hạ huyết áp nhanh hơn thuốc nên hỗ trợ rất tốt khi huyết áp tăng cao đột ngột.
Tùy cách vuốt để chỉnh huyết áp cao và thấp
Tĩnh mạch là một bộ phận của hệ tuần hoàn có hệ thống van một chiều nên máu trở về tim từ tĩnh mạch cũng theo một chiều nhất định, giúp các cơ quan ở xa tim vẫn hồi máu trở lại tim một cách nhịp nhàng, đều đặn. Khi đường kính mạch máu nhỏ, tăng sức cản, do đó huyết áp tăng. Ngược lại, khi mạch giãn, huyết áp thấp. Ở người cao tuổi, mạch máu kém đàn hồi, sức cản tăng, khiến cho huyết áp cao.
Ở chân, theo Y học cổ truyền, nhất là trong châm cứu, có 6 đường kinh, trong đó, đáng chú ý là kinh Tỳ, Can và Thận. theo Đông y, Tỳ có chức năng thống huyết (làm máu lưu thông), Can tàng huyết (máu chứa ở gan) và Thận tàng tinh, tinh sinh huyết.
Huyết áp có liên hệ đến máu (huyết), vì vậy có liên quan đến 3 tạng Tỳ, Can và Thận, điều chỉnh 3 đường kinh liên quan sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.
Theo châm cứu, mặt trong chân có 3 đường kinh âm là Tỳ, Can và Thận. Mặt ngoài chân liên hệ với 3 đường dương là Vị, Đởm và Bàng quang.
Theo lý thuyết châm cứu thì Tỳ - Vị, Can - Đởm và Thận - Bàng quang có quan hệ biểu lý (trong ngoài) với nhau. Vì vậy, khi vuốt (tác động) vào đường kinh Tỳ Vị, Can Đởm và Thận Bàng quang đều có tác động đến máu, tuần hoàn máu, dẫn đến có thể điều chỉnh được huyết áp (cao hoặc thấp) một cách nhất định.
Vuốt chân điều chỉnh huyết áp - Ảnh minh họa
Thao tác: Vuốt dọc 2 bên xương ống chân (theo đường vận hành của đường kinh). Tuy nhiên ống chân có 2 mặt: mặt trong và mặt ngoài. Theo Đông y, mặt trong liên hệ với phần Âm, mặt ngoài liên hệ với phần Dương, vì vậy khi vuốt, cần để ý đến yếu tố Dương hoặc Âm để tìm ra cách vuốt cho phù hợp.
Mặt trong (âm), vuốt từ dưới (cổ chân) lên trên (đầu gối). Mặt ngoài (dương): vuốt từ trên (đầu gối) xuống (cổ chân). Khi vuốt 2 ống chân, chân phải hoặc trái trước cũng được.
Vuốt mặt trong: từ mắt cá trong lên tới nhượng chân vòng lại vuốt từ gần đầu gối dọc thẳng xuống ống xương chân ngoài đến giữa cổ chân giao điểm với mu bàn chân, kể là 1 lần, vuốt 18 lần mỗi ống chân.
Vuốt mặt ngoài: từ dưới đầu gối, thẳng sát xương ống chân xuống đến nếp gấp cổ chân, vòng sang mé trong cổ chân theo bờ trong xương ống chân lên mé trong nhượng chân là 1 vòng, vuốt 18 vòng.
Theo Đông y châm cứu thì đường kinh Âm có hướng đi lên (hướng tâm - Âm thăng) và đường kinh Dương có hướng đi xuống (ly tâm – Dương giáng). Huyết áp cao, theo Đông y do âm hư hỏa vượng bốc lên, vì vậy khi điều trị, cần tư âm giáng hỏa…
Vì vậy, khi điều trị huyết áp cao, vuốt mặt trong chân trước (để tăng âm), mặt ngoài sau (để giáng hỏa).
Điều trị huyết áp thấp vuốt mặt ngoài trước (để kích thích khí đẩy huyết tăng lên)… Vừa vuốt vừa nói người bệnh thổi hơi ra. Trước khi vuốt chân, nên đo huyết áp trước, sau khi vuốt xong, nghỉ một ít rồi đo lại huyết áp sẽ thấy có sự thay đổi đáng kể.
Hình minh họa
Cần phân biệt huyết áp cao sinh lý và bệnh lý
Huyết áp cao là danh từ để chỉ trạng thái tăng áp lực của máu trong động mạch. Danh từ này do y học hiện đại đặt ra căn cứ trên phát hiện của áp huyết kế (máy đo huyết áp). Dựa trên sinh lý học, các nhà nghiên cứu đè xuất nên gọi huyết áp tăng hoặc tăng huyết áp.
Theo Tổ chức Y Tế thế giới (WHO), một người được coi là huyết áp cao khi huyết áp tối đa lớn hơn 140mmHg và huyết áp tối thiểu lớn hơn 90mmHg. Huyết áp trung bình là 120/80 mmHg.
Tuy nghiên cũng cần lưu ý, đối với người lớn tuổi huyết áp bình thường hơi tăng một ít do sức đàn hồi của mạch máu bị giảm. Một người bình thường trên 50 tuổi huyết áp 160/90mmHg được coi là bình thường.
Ngoài ra, còn có loại HA cao sinh lý: Buổi sáng huyết áp hơi hạ, khi ăn no, có xúc cảm, sau buổi lao động, sau khi suy nghĩ căng thẳng... huyết áp có hơi tăng một ít; Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh nguyệt, huyết áp cũng hơi tăng.
Bệnh huyết áp cao (còn gọi là cao huyết áp nguyên phát) được xác định chỉ khi nào không tìm thấy chứng bệnh sinh ra huyết áp cao. Triệu chứng của bệnh huyết áp cao thường gặp là: đau đầu, váng đầu, chóng mặt, mờ mắt, mất ngủ, ù tai, tim hồi hộp, chân tay tê, trí nhớ giảm, mệt mỏi, dễ cáu gắt …
Lương y Hoàng Duy Tân (Nguyên Phó chủ tịch Hội Đông Y Đồng Nai)