Chủ quan vết xước nhỏ dễ bỏ mạng
Bé trai 1 tuổi (Bắc Quang, Hà Giang) đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khám với cẳng chân sưng nề, nóng đỏ, nhiều mụn mủ nhỏ màu vàng kèm theo sốt cao. Mẹ bé cho biết, khoảng 4 ngày trước khi vào viện bé bị mọc một nốt mụn nhỏ ở cẳng chân phải, gia đình không để ý lắm vì nghĩ do muỗi hoặc ngứa chỉ một vài ngày là hết. Tuy nhiên, 2 ngày sau nốt mụn sưng to có mủ trắng, đắp miếng cao tan vào nốt mụn nhưng không đỡ. Bé sốt cao, quấy khóc, ăn kém, cẳng chân phải sưng to, nóng đỏ, mọc thêm nhiều nốt mụn mủ, gia đình mới đưa bé đến viện khám.
Qua các kết quả cận lâm sàng, bé được chẩn đoán viêm mô tế bào cẳng chân và phải nhập viện điều trị ngay chậm trễ sẽ nguy hiểm tính mạng. Rất may được điều trị kịp thời và đáp ứng thuốc tốt nên bé đã được ra viện sau 7 ngày điều trị.
BS Triệu Thị Trang, Khoa Nội – Nhi – Đông y, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết, viêm mô tế bào là một nhiễm trùng da gây đau đớn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào da qua các tổn thương như vết xước, vết côn trùng đốt, vết cắn, bỏng... Tổ chức viêm mô tế bào hay gặp nhất là vùng da ở mặt, cẳng chân, tuy nhiên tổn thương cũng có thể gặp ở bất cứ vùng da nào của cơ thể.
Khi bị viêm mô tế bào thường có biểu hiện: sốt, đỏ da lan rộng quanh vùng vết thương; sờ vào vùng da đỏ có cảm giác ấm, ấn đau, đôi khi thấy phù nhẹ khu trú, đặc biệt là vết thương ở gần vùng khớp, một số ít trường hợp có hạch gần nơi vết thương. Các triệu chứng nghiêm trọng của viêm mô tế bào: Mệt mỏi, chóng mặt , đau đớn, run rẩy, đổ mồ hôi...Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu nguy hiểm đến tính mạng.
|
Tình trạng viêm mô tế bào của bé trai 1 tuổi.
|
Không coi thường vết thương hở
Theo BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, viêm mô tế bào là một tình trạng nhiễm trùng da và mô mềm dưới da do vi khuẩn. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là các chủng vi khuẩn Staphylococcus và Streptococcus. Các tổn thương trên da như vết cắt, vết côn trùng cắn, hay vết phẫu thuật là các vị trí dễ bị viêm. Một số yếu tố nguy cơ cũng làm tăng khả năng mắc chứng viêm mô tế bào như: Hệ miễn dịch yếu; Mắc một số bệnh về da gây rách và tổn thương da như eczema và nấm bàn chân; Sử dụng một số thuốc tiêm tĩnh mạch; Mắc bệnh tiểu đường; Đã có tiền sử mắc chứng viêm mô tế bào...
Bình thường trên bề mặt da vẫn có vi khuẩn sinh sống, khi da bị tổn thương như vết thương, côn trùng đốt, vết cắn... sẽ gây tình trạng viêm, nhiễm trùng. Đối với trường hợp được phát hiện sớm, bệnh nhân chỉ cần làm sạch vết thương, cắt lọc các mô hoại tử (nếu có) và dùng kháng sinh đường uống trong khoảng từ 10 – 21 ngày. Độ dài của đợt điều trị bằng kháng sinh phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Ngay cả khi sau vài ngày điều trị, các triệu chứng đã được cải thiện nhưng người bệnh vẫn cần phải sử dụng hết kháng sinh để diệt mầm bệnh. Trường hợp nặng, bệnh nhân phải nhập viện điều trị như cắt lọc vết thương, dẫn lưu ổ viêm, phẫu thuật và dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.
Đôi khi, viêm mô tế bào có thể lây lan toàn cơ thể, xâm nhập vào các hạch bạch huyết và máu. Trong một số ít trường hợp, nó có thể đi vào các mô sâu hơn. Các biến chứng có thể gặp bao gồm: Nhiễm khuẩn huyết; Nhiễm trùng tại xương; Viêm mạch bạch huyết; Hoại tử mô... nguy hiểm tới tính mạng.
Vì vậy, các chuyên gia đều khuyên, khi da có vết thương hở, hãy làm sạch vết thương và bôi thuốc mỡ chứa kháng sinh đều đặn. Băng vết thương lại bằng băng gạc vô trùng và thay băng hàng ngày cho tới khi vết thương liền sẹo. Hãy theo dõi vết thương nếu có xuất hiện các vết đỏ xung quanh, vết thương tiết dịch mủ hay gây đau. Đây là dấu hiệu cho thấy vết thương đã bị nhiễm trùng.
Những đối tượng đã mắc sẵn một số bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh viêm mô tế bào nên hết sức thận trọng và lưu ý: Giữ ẩm cho da để phòng ngừa nứt nẻ; Điều trị khỏi dứt điểm những nhiễm trùng nông trên da như bệnh nấm da chân; Đeo các thiết bị bảo vệ khi làm việc và chơi thể thao; Kiểm tra chân hàng ngày để phát hiện sớm những chấn thương và nhiễm trùng...