|
Các chuyên gia mới công bố phát hiện đáng lo ngại về lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực. Theo họ, lỗ thủng tại đây đã đạt kích thước tối đa từ giữa tháng 9 tới giữa tháng 10 hàng năm. Không những vậy, kích thước của lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đã mở rộng trong tuần qua và hiện lớn hơn diện tích vùng Nam Cực. |
|
Các nhà nghiên cứu cho biết lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực năm nay lớn hơn 75% các lỗ thủng tầng ozone trước đây cũng cùng vào thời điểm này từ năm 1979. |
|
Hiện các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân khiến lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực có kích thước lớn hơn mức bình thường. |
|
Trước đó, vào năm 2020, lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực rộng khoảng 24 triệu km2 vào đầu tháng 10. Kích thước này được các chuyên gia nhận định là tương đối lớn hơn so với những năm trước. |
|
Bước sang năm 2021, các nhà khoa học dự đoán lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực sẽ đạt kích thước tương tự như năm 2020 nhưng cuối cùng lại mở rộng hơn rất nhiều. |
|
Trước sự việc này, Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) tiến hành theo dõi chặt chẽ sự thay đổi của lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực thông qua mô hình máy tính và quan sát vệ tinh. |
|
Chuyên gia Vincent-Henri Peuch công tác tại CAMS nhận định kích thước lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực không còn tăng quá nhanh. Dù vậy, từ nay đến đầu tháng 10, kích thước của nó sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. |
|
Tầng ozone giúp bảo vệ chúng ta khỏi các tia UV có hại của Mặt trời. Việc sử dụng các hợp chất tổng hợp như chlorofluorocarbon trong thời gian qua đã góp phần phá hủy tầng ozone vì các hợp chất đó có thể bay lên tầng bình lưu, phá vỡ và giải phóng các nguyên tử clo tiêu diệt các phân tử ozone. |
|
Sau khi nhiều hợp chất tổng hợp bị cấm sử dụng, tầng ozone đã có dấu hiệu phục hồi nhưng với tốc độ khá chậm. |
|
Theo các chuyên gia, giới nghiên cứu thường mất ít nhất vài năm để nhận ra sự khác biệt trong quá trình phục hồi của tầng ozone. |
Mời độc giả xem video: Trái đất trải qua tháng 9 nóng nhất trong lịch sử. Nguồn: THDT.