|
Kể từ năm 1943, hồ Toplitz ở Áo được Đức quốc xã lựa chọn làm địa điểm xây dựng căn cứ thực nghiệm hải quân. Thêm nữa, khu vực này là nơi diễn ra nhiều thử nghiệm vũ khí của Đức như ngư lôi. |
|
Hồ Toplitz trở thành địa điểm nổi tiếng được nhiều người biết đến sau khi Thế chiến 2 kết thúc. Nguyên do là bởi nơi đây được cho là địa điểm phát xít Đức thả nhiều hòm vàng xuống dưới đáy hồ khi biết được ngày tàn của chính quyền Hitler sắp đến. |
|
Do không muốn lượng lớn vàng bạc, châu báu vơ vét được từ các cuộc chiến rơi vào tay lực lượng Đồng minh nên Đức quốc xã cho vào các thùng rồi thả xuống hồ Toplitz. |
|
Một vài nhân chứng kể rằng đã nhìn thấy lính Đức quốc xã đi thuyền và chở rất nhiều hòm ra giữa hồ rồi thả xuống dưới mặt nước. |
|
Chính vì vậy, suốt nhiều thập kỷ qua, không ít người đã tìm đến hồ Toplitz để tìm kiếm các thùng vàng thỏi của Đức quốc xã với hy vọng sẽ giúp thay đổi cuộc đời. |
|
Tuy nhiên, việc tìm kiếm kho báu dưới đáy hồ Toplitz không hề dễ dàng. Nguyên do là bởi hồ có độ sâu hơn 100m và trong lòng hồ có nhiều cây gỗ lởm chởm. |
|
Những cây gỗ này được các thợ lặn ví giống như bãi chông vô cùng nguy hiểm. Nếu không cẩn thận thì thợ lặn có thể bị thương, thậm chí tử vong. |
|
Quả thật, vào năm 1947, Hải quân Mỹ cử một nhóm thợ lặn xuống đáy hồ Toplitz để xác định thực hư kho báu của phát xít Đức. Tuy nhiên, một thợ lặn bị vướng vào các cây gỗ trong lòng hồ và chết đuối. |
|
Trong những năm tiếp theo, một số người vẫn liều lĩnh, thử vận may tìm kiếm kho báu ở hồ Toplitz. |
|
Tuy nhiên, do địa hình dưới đáy hồ phức tạp và nguy hiểm nên đến nay vẫn chưa tìm được bất cứ thùng vàng nào của Đức quốc xã. Dù vậy, nhiều người vẫn không bỏ cuộc với hy vọng sẽ sớm tìm thấy số của cải này. |