Có một nghịch lý là ở các nhà hàng bình dân, khẩu phần ăn thường khá đầy đặn, trong khi đó, khi tới các nhà hàng sang trọng, dù đã phải trả mức phí rất cao nhưng khẩu phần ăn lại rất nhỏ, nhiều khi nhỏ tới khó hiểu. Dù vậy, loại hình nhà hàng xa xỉ fine dining vẫn thu hút được đông thực khách và dần trở thành xu hướng.
Giảm chi phí
Ở các nhà hàng 5 sao, nguyên liệu đều là loại thượng hạng, có chi phí đắt đỏ. Nếu làm một khẩu phần ăn lớn, số lượng nguyên liệu bị tiêu tốn nhiều thì mức giá sẽ cao hơn rất nhiều. Do đó, các nhà hàng đều chế biến theo kiểu "từng chút một" với nguyên nhân lớn nhất là để giảm chi phí thực đơn, tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn.
|
Những món ăn fine dining đều có kích thước rất nhỏ. Ảnh:Culture Trip |
Đắt xắt ra miếng
Tâm lý "đắt xắt ra miếng" không chỉ có ở người châu Á mà cũng rất phổ biến ở phương Tây. Người ta tin rằng đồ ăn càng ít thì nghĩa là chúng có hương vị ngon, làm từ những nguyên liệu quý giá, đáng đồng tiền bát gạo. Những nhà phát triển thực đơn cao cấp đã đánh trúng tâm lý này của các thượng khách.
Ăn ít mới sang
Fine dining là loại hình phục vụ chủ yếu cho giới nhà giàu - những người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm hoặc cả nghìn USD cho một bữa ăn. Những người thuộc tầng lớp này rất quan trọng khí chất, phong thái, trong đó có việc ăn uống. Khẩu phần ăn nhỏ được xem là có liên quan đến cách mà người ta thưởng thức bữa tiệc. Ăn từng miếng nhỏ xíu giúp tăng thêm vẻ thanh lịch cho thực khách.
Kích thích vị giác, chống ngán
Dưới góc độ tâm lý học, vị giác của con người sẽ quen với một hương vị chỉ sau 4-5 lần cắn. Trong khi đó, mỗi miếng đồ ăn ở nhà hàng sang trọng nhỏ tới mức chỉ mất 1-2 lần cắn. Bởi vậy, người ăn chưa kịp cảm thấy chán ngán, thậm chí còn thấy thòm thèm, giúp tâm trí ghi nhận hương vị trong một thời gian dài hơn.
Gọi nhiều món, chi nhiều tiền
Một trong số nguyên nhân chính của việc này chính là các nhà hàng muốn khách chi tiêu nhiều hơn. Ngay cả khi thực khách đã khá rộng rãi thì các chủ nhà hàng vẫn muốn họ bỏ ra nhiều hơn cho các món. Nếu mỗi món được bày ra đều chỉ có ít một, khiến người ăn chưa đủ no thì họ sẽ không cưỡng lại được mà gọi thêm nhiều món khác, tăng thêm doanh thu cho nhà hàng.
Thưởng thức trọn vẹn hương vị
|
Mỗi món ăn đều được trang trí đẹp như tranh. Ảnh:Eaters Minifesto
|
So sánh cùng một món ăn nhưng với hai khẩu phẩn khác nhau, một bên chỉ nhỏ bằng vài đốt ngón tay, một bên là cả một đĩa đầy. Người ăn miếng nhỏ có thể cảm nhận trọn vẹn hương vị, bao gồm trước khi thưởng thức (bằng khứu giác, thị giác), khi cắn - nhai và cả dư vị sau khi nuốt miếng đồ ăn đó. Trong khi đó, người ăn đĩa đồ ăn đầy sẽ không kịp cảm nhận hết độ ngon do khối lượng ăn vào dồn dập.
Sáng tạo
Không thể phủ nhận một điều rằng, nhiều thực khách sẵn sàng chi nhiều tiền vào nhà hàng cao cấp một phần là để chiêm ngưỡng cách bày biện một món ăn. Đây là một khâu quan trọng với các nhà hàng ở phân khúc này. Ngoài việc món ăn phải ngon, nguyên liệu đảm bảo, bổ dưỡng thì mỗi món đều được trang trí theo một phong cách khác nhau, cầu kỳ chẳng kém một bức tranh 3D với màu sắc bắt mắt.
Sức khỏe lành mạnh
Chủ nghĩa tối giản, "less is more" trong những năm gần đây được hưởng ứng rộng rãi, trong đó có cả lĩnh vực ẩm thực. Nguyên liệu chế biến ở các nhà hàng cao cấp không có nghĩa là chúng đều bổ dưỡng bởi còn tùy vào thể trạng và nhu cầu mỗi người. Để đảm bảo sức khỏe lành mạnh, khẩu phần ăn đều được cắt giảm.