Vì sao cúng vía Thần Tài vào mùng 10 tháng Giêng?

Cúng vía thần Tài vào ngày mùng 10 tháng Giêng là phong tục được duy trì bấy lâu.
Thần Tài là ai?
Theo một số tài liệu, tục thờ thần Tài xuất xứ từ Trung Quốc và chỉ mới du nhập vào nước ta từ thế kỷ XX. Tuy nhiên thần Tài là ai thì đến nay có rất nhiều thuyết. Sách Phong tục thờ cúng của người Việt (Nxb Văn hóa Thông tin) khi nói về tục thờ cúng vía thần Tài có viết rằng:
“Thần tài là vị thần mang tài lộc cho gia đình, mỗi khi làm việc gì, gia chủ thường cầu khấn thần Tài. Người xưa thờ thần Tài ở xó xỉnh xuất phát từ điển tích: có một lái buôn tên là Âu Minh khi qua hồ Thanh Thảo, được Thủy thần cho một nô tỳ tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trông nhà làm ăn ngày càng trở nên phát đạt. Sau đó nhân một ngày tết, vì lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện quá sợ hãi chui vào đống rác và biến mất. Từ đó Âu Minh làm ăn thua lỗ, sa sút, chẳng mấy chốc trở nên nghèo xác nghèo xơ.
Vi sao cung via Than Tai vao mung 10 thang Gieng?
 Tượng thần Tài. 
Hóa ra, Như Nguyện chính là thần Tài hiện hình và mọi người lập bàn thờ để thờ. Từ đó ta có tục kiêng hót rác trong ba ngày đầu năm. Vì sợ hót rác là hót luôn cả thần Tài trong đó, thì việc làm ăn sẽ không phát đạt. Việc thờ thần Tài ở xó xỉnh cũng từ đó mà ra”.
Tuy nhiên ngoài thuyết này còn có nhiều thuyết khác giải thích về thần Tài. Có thuyết nói thần Tài là Triệu Công Minh. Có thuyết lại cho thần Tài vốn là Bố Đại La Hán, còn gọi là Nhân Yết Đà Tôn Giả ở Ấn Độ (là một trong thập bát La Hán). Ông là người chuyên bắt rắn, ông mang túi vải to trên lưng vào rừng bắt rắn độc, nhổ bỏ răng độc rồi thả rắn đi. Người Trung Quốc cho là Bố Đại đầu thai tại nước Lương tên là Phó Đại Sĩ, tính tình vui vẻ, ăn mặc xốc xếch, vai mang cái túi vải to, ai cho gì cũng dồn vào túi rồi đem phân phát cho trẻ em. Do đó có tượng Thần Tài đứng có mang túi to, hai tay đưa thẳng lên trời cười thoải mái, tượng trưng cho sự may mắn, thành công.
Vì sao cúng vía thần Tài?
Theo bài báo của ông Nguyễn Mạnh Linh - Trưởng Phòng Phong thủy Kiến trúc, Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị của Đại học Xây dựng, đăng trên báo Vnexpress, thì cúng vía có thể là cúng ngày giỗ hoặc cúng ngày thành đạo của một vị thần. Trong bài ông cho rằng: “Những năm gần đây xuất hiện trào lưu người dân đổ xô đi mua vàng trong ngày "vía thần tài" mùng 10 tháng Giêng, mong được may mắn tài lộc trong năm mới. Thực tế, ngày này chỉ là do một số người kinh doanh tuyên truyền nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm, chứ không có tài liệu nào ghi chép, cũng như phong tục trong dân gian. Người dân có thể đi mua bán nhưng không nhất thiết phải chen lấn, mua giá cao trong ngày này”.
Vi sao cung via Than Tai vao mung 10 thang Gieng?-Hinh-2
 Bàn thờ thần Tài.
Chúng tôi cũng đã khảo cứu nhiều tài liệu về văn hóa dân gian nhưng không thấy sách vở nào nói đến ngày cúng vía thần Tài. Quả thật là ngay đến cụm từ “cúng vía thần Tài” cũng mới chỉ được nhiều người nghe đến từ vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên trên một số trang mạng về phong thủy và xem ngày tốt xấu lại có nêu ra một truyền thuyết về sự tích cúng vía thần Tài như thế này: Chuyện kể rằng thần Tài vốn là vị thần cai quản tiền bạc, tài lộc ở trên trời. Trong một lần đi chơi uống rượu, thần say quá nên rơi xuống trần gian va đầu vào đá nằm bất tỉnh.
Sáng ra mọi người thấy một người ăn mặc quái lạ nên tưởng bị điên. Họ cũng đem lột sạch hết quần áo, mũ nón của thần đem bán. Lúc thần tỉnh lại thì không thấy quần áo và cũng chẳng nhớ mình là ai vì đầu va vào đá. Thần cũng không biết làm việc dưới trần gian nên thường đi lang thang khắp nơi xin ăn.
Có một cửa hàng kinh doanh buôn bán gà, vịt, heo quay ế ẩm, thấy thần Tài đến ăn xin nên mời vào ăn. Thần Tài ăn rất nhiều và kỳ lạ thay từ lúc thần Tài vào ăn thì khách ăn khác kéo đến nườm nượp, người bán hàng thấy vậy nên ngày nào cũng mời thần Tài vào ăn. Khách hàng ở quán đối diện trước nay rất đông khách bỗng dưng cũng chuyển hết qua quán bên này ăn.
Được một thời gian, người bán hàng thấy thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày được ăn uống ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi. Nghĩ thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và hao phí đồ ăn cho người ăn mày nên người bán hàng mới đuổi thần Tài đi.
Vi sao cung via Than Tai vao mung 10 thang Gieng?-Hinh-3
 Ảnh minh họa.
Quán đối diện ngày xưa rất đông khách, nay vắng tanh, thấy vậy liền mời thần Tài vào ăn, kỳ lạ thay mọi người lại kéo hết sang quán này ăn. Mọi người thấy vậy nên ai cũng giành mời cho bằng được thần Tài đến ăn hàng quán của mình. Người dân khu vực đó thấy thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn đi mua, mọi người đưa thần Tài đến cửa hàng nơi quần áo của ông bị bán, sau khi mặc quần áo mũ nón vào thì thần Tài nhớ lại mọi chuyện và bay về trời. Từ đó mọi người mới lập bàn thờ và cúng vía thần Tài vào ngày 10 tháng giêng là ngày thần bay về trời.
Những chú ý khi cúng vía thần Tài
Qua những điều đã trình bày ở trên cho thấy có lẽ tục cúng vía thần Tài chỉ mới bùng phát lên mấy năm gần đây. Thực chất nó cũng phù hợp với phong tục khai trương mở hàng đầu năm của nhân dân ta từ xưa vì cùng một mục đích là cầu mong trong năm mới sẽ buôn may bán đắt hàng thu được tài lộc dồi dào.
Để chuẩn bị cúng vía thần Tài, các gia chủ nên lưu ý mấy điều sau:
Sắm lễ để cúng vía thần Tài mọi người thường mua: 1 bình bông, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng thịt lợn quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chén rượu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Linh, người làm kinh doanh thờ thần Tài nên làm lễ ở nơi kinh doanh chứ không nên làm ở đình, chùa. Người không kinh doanh có thể cúng ở nhà hay đình chùa đều được, vì bản thân "thổ địa" thờ tại nhà cũng kiêm chức năng của thần Tài.
Nhiều người lễ ở nhà riêng thường đặt mâm cúng trước cửa, hay ngoài sân, ban công. Thực tế, cúng ngoài sân hay ngoài cửa dễ có "vãng vong", dân gian gọi là vong lang thang vào phá. Tốt nhất ở nhà riêng nên đặt mâm cúng trong nhà.
Về thời gian cúng khấn và tháp hương thần Tài, chỉ nên thực hiện vào buổi chiều. Sách "Phong tục thờ cúng của người Việt": Người xưa cúng thần Tài quanh năm vào bất kỳ lúc nào thấy cần cầu xin chứ không chỉ vào dịp giỗ tết, ngày rằm mồng một. Ngày thường lễ cúng thần Tài đơn giản chỉ cần trầu nước và trái cây... Còn trong dịp giỗ tết hay ngày rằm mồng một có thể cúng bằng cỗ mặn. Nhưng thời gian thì chỉ nên thắp hương thần Tài vào buổi chiều hàng ngày.
Nam Khánh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN