Vi phẫu tách mạch máu chữa đau nửa mặt

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa thực hiện thành công ca vi phẫu tách mạch máu và dây thần kinh V cho bệnh nhân 48 tuổi bị tổn thương mạch máu xung đột dây thần kinh V. Đây là bệnh lý phổ biến ở tuổi trung niên gây đau dữ dội ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống.

Đau dữ dội, không nhai, không nói, không súc miệng được

Dây thần kinh số V hay còn gọi là dây thần kinh tam thoa, chia nhánh tại hàm trên, hàm dưới và vùng mắt, thực hiện vai trò dẫn truyền cảm giác của vùng mặt này đến não. Đau dây thần kinh V là một dạng đau đặc thù, thường khởi phát đột ngột nhưng gây đau vô cùng nghiêm trọng.

Bệnh nhân N.T.H. (48 tuổi, Hà Nội), phát hiện đau nửa mặt phải cách đây 5 năm, đã điều trị bằng áp lạnh. 2 tháng gần đây bệnh nhân đau nhiều, không nhai được cơm, phải ăn cháo, không nói chuyện được, phải dùng điện thoại nhắn tin, không đánh răng, súc miệng được. Trên phim chụp MRI có tổn thương mạch máu xung đột dây thần kinh số V.

ThS.BS Hoàng Minh Tân, Khoa Ngoại thần kinh - cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, đau dây thần kinh V là một trong những nguyên nhân đau nửa mặt phổ biến nhất ở lứa tuổi trung niên (50 tuổi), nữ nhiều gấp 1,5 lần nam giới.

Bệnh thường khởi phát đột ngột với cơn đau rất nặng, giống như điện giật, dao đâm, đôi khi gặp dạng nghiền xé. Cơn đau thường diễn ra nhanh chóng chỉ vài giây đến vài phút, nhưng cơn đau có thể xuất hiện liên tiếp và tái đi tái lại hàng ngày không theo quy luật nào cả.

Điều trị bệnh chủ yếu bằng nội khoa, phẫu thuật chỉ đặt ra khi bệnh nhân dùng thuốc không hiệu quả, bệnh nhân trẻ. Phẫu thuật cho thấy, hiệu quả giảm đau nhanh, tỷ lệ giảm đau cao, tỷ lệ tái lại thấp...

Tuy nhiên, phẫu thuật rất khó khăn, không chỉ đòi hỏi các trang thiết bị như: kính vi phẫu, đồ vi phẫu thần kinh... mà còn đòi hỏi sự tinh tế của một chuyên khoa sâu.

day-than-kinh.jpg
Vi phẫu tách mạch máu chữa đau nửa mặt tại bệnh viện Đại học Y

ThS.BS Hoàng Minh Tân chia sẻ, ca mổ vi phẫu đôi khi phải kết hợp nội soi. Theo đó, các bác sĩ sẽ mở một đường mổ sau tai 5cm, mở xương đường kính 2x2cm vào khe góc cầu tiểu não. Đây là vùng góc giữa tiểu não và cầu não có nhiều dây thần kinh, mạch máu đi qua, là vùng giáp thân não (là vùng chứa chức năng quan trọng) nên phải rất cẩn thận tỉ mỉ trong phẫu thuật.

Chỉ cần sơ sẩy một chút khi vét nhẹ tiểu não, hút bớt dịch não tủy ở bể lớn, phá màng nhện và bộc lộ dây thần kinh V... cũng rất nguy hiểm. Sau khi tách được dây thần kinh V, quan sát, đánh giá nguyên nhân, mức độ chèn ép... giải ép sẽ được thực hiện bằng cách miếng tạo hình phù hợp ngăn giữa mạch máu chèn ép và đoạn gốc dây V...

Sau hơn 1 tiếng ca vi phẫu đã thành công tốt đẹp. Sau mổ 2 ngày bệnh nhân đã ăn được cơm, nói chuyện được bình thường, có thể đánh răng, súc miệng được...

Biểu hiện của nhiều bệnh lý

Theo ThS.BS Hoàng Minh Tân, cơ chế đau dây thần kinh V vẫn chưa rõ ràng. Vùng chi phối đau dây thần kinh V là vùng mặt miệng, nên đa số người bệnh được chẩn đoán nhầm do viêm xoang, viêm động mạch thái dương nông, migraine, glocom, bệnh răng hoặc các bệnh lý khác có liên quan đến răng...

day-than-kinh-1.jpg
Vi phẫu tách mạch máu chữa đau nửa mặt.

Tuy nhiên, đau dây thần kinh V không chỉ do bất thường trong hệ thống thần kinh và sự chèn ép của mạch máu mà còn có thể do u. Các khối u nằm ở vùng góc cầu tiểu não và các vùng lân cận của góc cầu tiểu não cũng liên quan đến đau dây thần kinh V như u màng não, u tuyến yên, u nang thượng bì, u ác tính có di căn... U có ảnh hưởng đến hạch Gasser hoặc 1 hay nhiều nhánh của dây thần kinh V.

Ngoài ra, đau dây thần kinh V thứ phát là do quá trình tăng sản của nền sọ chèn ép dây V, hay những bệnh ở các cấu trúc do dây thần kinh V phân bố: Sâu răng, áp xe răng, viêm mống mắt, viêm xoang...

Vì vậy, khi có biểu hiện đau dây thần kinh V người bệnh nên đi khám sớm để tìm nguyên nhân gây bệnh và chữa trị kịp thời.

Nhật Hà