U tế bào cận hạch thần kinh sau phúc mạc

(khoahocdoisong.vn) - U tế bào cận hạch thần kinh (Paraganglioma) là một khối u hiếm gặp, thường không phải ung thư, phát triển chậm, chỉ có khoảng 15 - 25% trường hợp có thể là ung thư. U tế bào cận hạch thần kinh có thể bắt nguồn từ bên ngoài tuyến thượng thận, cụ thể từ hạch thần kinh phó giao cảm hoặc giao cảm của hệ thần kinh tự chủ.

Vừa qua, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, một bệnh nhân nữ 42 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, 1 tháng nay thấy đau bụng vùng thượng vị, đau âm ỉ, không gầy sút cân, cảm giác nóng bừng mặt, đau đầu không thường xuyên, nhập viện khám. Chụp cắt lớp vi tính thấy khối u sau phúc mạc sát cột sống thắt lưng, kích thước 5 x 6cm, khối u phía trước động tĩnh mạch chủ bụng, trước động tĩnh mạch thận trái, sau tá tràng đầu tụy ngấm thuốc. Huyết áp tăng 160/90mmHg, mạch 100/phút, sinh thiết u làm tế bào cho kết quả u tế bào cận hạch thần kinh.

Sau khi làm xét nghiệm, nhiều chỉ số đều vượt ngưỡng bình thường, các bác sĩ quyết định gây mê hồi sức, phẫu thuật, chỉ định cắt bỏ hoàn toàn khối u. Trong khi mổ, mỗi lần chạm u phẫu tích, huyết áp tăng cao 250 - 270mmHg, mạch 120 - 150 lần /phút. Ê kíp gây mê phối hợp hạ huyết chỉ huy, kiểm soát mạch sau khi cắt rời được khối u cho ra khỏi bụng thì huyết áp bệnh nhân lại hạ xuống thấp 70/50mmHg và phải dùng thuốc kiểm soát huyết áp. Sau mổ, bệnh nhân diễn biến ổn định, không còn tình trạng tăng huyết áp, các xét nghiệm sau mổ 6 ngày trở về bình thường, bệnh nhân xuất viện sau 7 ngày phẫu thuật.

Paraganglioma có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 20 - 50. Khối u paraganglioma trong thời kỳ mang thai có thể nguy hiểm cho mẹ và con. Huyết áp cao không được kiểm soát có thể làm hỏng thận, hạn chế oxy đến em bé hoặc gây chuyển dạ sớm. Trong thời gian bà mẹ chuyển dạ, do stress, khối u có thể giải phóng một lượng lớn catecholamine gây ra cơn tăng huyết áp ở mẹ hoặc làm phức tạp quá trình sinh nở. Vì vậy, những bệnh nhân nghi ngờ mắc u paraganglioma cần được theo dõi chặt chẽ trong thời kỳ mang thai và kiểm soát huyết áp bằng thuốc.

Paragangliomas có thể có các triệu chứng: Tăng huyết áp, tăng huyết áp liên tục hoặc kịch phát, có thể cả hạ huyết áp thế đứng, đau đầu, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, lo lắng, sưng tại vị trí khối u, khối to bất thường. Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm xanh xao, tăng đường huyết, nôn mửa, đau bụng, đau lưng, buồn nôn, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ…

Trong hầu hết các trường hợp paraganglioma xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu nồng độ catecholamin đều tăng, một số ít trường hợp khối u nhỏ xuất phát từ hạch phó giao cảm không tiết catecholamin, xét nghiệm máu và nước tiểu chỉ số này không tăng. Chẩn đoán hình ảnh, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá tính chất của khối u, tổn thương di căn. Việc điều trị là phẫu thuật để loại bỏ u, có thể lựa chọn mổ mở hoặc mổ nội soi cho từng bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, mô và các hạch bạch huyết gần khối u có thể được kiểm tra và nếu khối u đã lan rộng, các mô này cũng có thể được loại bỏ. Có thể dùng thuốc trước, trong và sau khi phẫu thuật để giữ huyết áp và nhịp tim bình thường. Hóa xạ trị có thể được dùng trong trường hợp paraganglioma ác tính.

BS Trần Kiên Quyết (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

BS Trần Kiên Quyết