U bao hoạt dịch cổ tay có nguy hiểm?

U bao hoạt dịch có thể ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể nhưng nhiều nhất là ở các khớp tay và chân. U tuy lành tính nhưng gây đau đớn và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh, cần điều trị sớm.

“U bao hoạt dịch khớp cổ tay thường không gây nguy hiểm, không biến chuyển thành ung thư nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người bệnh. Điều trị u bao hoạt dịch khớp cổ tay vẫn là việc cần thiết để người bệnh không phải đối mặt với các cơn đau do khối u chèn ép dây thần kinh hay nhiễm khuẩn có thể lan vào khớp”, GS.TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện ĐKQT Vinmec cho biết.

Khổ sở vì đau đớn và tái đi tái lại nhiều lần

Khoảng 5 năm trở lại đây, chị Đ.T.P (45 tuổi, Hà Nội) bị u bao hoạt dịch ở cổ tay. U khiến chị thường xuyên mất ăn, mất ngủ vì cảm giác đau dữ dội ở khu vực cổ tay. Thậm chí, chị P. còn bị suy giảm khả năng vận động của khớp, không thể cầm nắm hoặc nâng vác đồ vật...

Chị đã uống thuốc nhiều lần, thậm chí thực hiện hút dịch, tiêm thuốc vào u nhưng u vẫn tái đi, tái lại, thậm chí vỡ bao hoạt dịch gây nhiễm trùng. Chị được chỉ định phẫu thuật lấy bỏ phần nhiễm trùng, khâu phục hồi bao khớp cổ tay. Rất may, sau 3 ngày cổ tay của chị có thể vận động gần như bình thường.

Phẫu thuật u bao hoạt dịch khớp cổ tay

Cách khắc phục u bao hoạt dịch khớp cổ tay tại nhà

Nẹp cổ tay: Cử động khớp cổ tay nhiều khiến kích thước u bao hoạt dịch tăng. Nẹp cổ tay có thể điều trị u bao hoạt dịch khớp cổ tay khi bệnh nhẹ, chưa gây đau. Có thể dùng băng thun, băng keo thể thao, nẹp… để cố định lại khớp cổ tay, giảm khả năng phát triển của u bao hoạt dịch. Phương pháp này không nên thực hiện trong trong thời gian dài vì có thể khiến các cơ quanh cổ tay suy yếu.

Vật lý trị liệu: Chườm đá kết hợp cố định khớp giúp giảm tình trạng sưng đau khối u. Người bệnh cũng có thể thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu nhẹ nhàng cho vùng khớp cổ tay nhằm thư giãn khớp, giảm triệu chứng sưng đau và phục hồi chức năng của khớp.

Trao đổi với PV Khoa học & Đời sống, BSCKII Nguyễn Trần Quang Sáng, Trưởng khoa phẫu thuật u xương và phần mềm, bệnh viện ĐKQT Vinmec Times city cho biết, nguyên nhân hình thành nang bao hoạt dịch chưa được hiểu rõ ràng.

Tuy nhiên, tiền sử chấn thương được phát hiện trong ít nhất 10% trường hợp và được coi là yếu tố nguyên nhân. Các quan điểm cũ cho rằng viêm bao hoạt dịch là nguyên nhân hình thành bao hoạt dịch đã được bác bỏ. Bởi các nghiên cứu môi trường xung quanh khối nang không phát hiện các bằng chứng thể hiện sự hiện diện của các yếu tố viêm.

Một luận điểm được công nhận rộng rãi cho rằng, khi bao khớp ở trạng thái chịu áp lực cao (cấp tính hoặc mạn tính) có thể dẫn đến rách bao khớp và làm rò rỉ dịch khớp vào mô quanh khớp. Phản ứng giữa dịch này và mô tại chỗ dẫn đến việc tạo hình thành nang.

Theo BSCKII Nguyễn Trần Quang Sáng, u bao hoạt dịch không chỉ phổ biến ở khớp cổ tay mà còn có cả ở các khớp bàn tay, mắt cá chân, đầu gối... và ở các khu vực khác của cơ thể.

U bao hoạt dịch cổ tay có thể xảy ra ở tất cả mọi người, đặc biệt phổ biến ở người trên 40 tuổi do nhóm tuổi này đã bước qua giai đoạn lão hóa. Khi mắc, người bệnh cảm thấy đau, giống như có vật nặng đè lên khớp cổ tay.

Xuất hiện những cục u nhỏ ở cổ tay, sưng tấy kèm theo tình trạng đỏ sẫm ngoài da. Khớp cổ tay thiếu linh hoạt, khó chuyển động. Hơn nữa, khi thực hiện động tác xoay cổ tay, người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu.

Điều trị sớm tránh biến chứng

GS.TS Trần Trung Dũng phân tích, u bao hoạt dịch cổ tay không biến chuyển thành ung thư, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, điều trị u bao hoạt dịch khớp cổ tay vẫn là việc cần thiết để người bệnh không phải đối mặt với các cơn đau do khối u chèn ép dây thần kinh hay nhiễm khuẩn có thể lan vào khớp.

Tốc độ gia tăng kích thước của u bao hoạt dịch khá chậm. Trong một số trường hợp, khối u có thể tự tiêu biến mà không cần điều trị. Hoặc nếu u bao hoạt dịch không gây ảnh hưởng gì thì có thể không cần phải điều trị mà chỉ cần theo dõi.

Phẫu thuật u bao hoạt dịch khớp cổ tay - ảnh Minh họa

Khi kích thước khối u đã rõ rệt và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị không dùng thuốc, dùng thuốc hoặc phẫu thuật tùy vào tình trạng khối u để điều trị u bao hoạt dịch khớp cổ tay.

Các loại thuốc được dùng chủ yếu là giảm đau, thuốc chống viêm không steroid. Cần lưu ý các loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ đến dạ dày, gan, thận. Vì vậy, liều lượng và cách sử dụng cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Hơn nữa đây là phương pháp điều trị triệu chứng, chứ không giúp loại bỏ khối nang.

Trong một số trường hợp khối u nhỏ có thể tiến hành chọc hút dịch trong bao hoạt dịch. Sau đó tiêm Steroid kết hợp băng thun băng ép. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát bệnh khá cao do vẫn không giải quyết triệt căn khối nang.

Điện châm là phương pháp mới cho thấy hiệu quả trong điều trị nang bao hoạt dịch. Tuy nhiên bệnh nhân thường mất thời gian điều trị khá dài.

Phẫu thuật cắt bỏ u bao hoạt dịch chỉ định trong trường hợp kích thước khối u lớn gây chèn ép thần kinh khiến bệnh nhân tê mỏi, đau nhiều; khối u gây mất thẩm mỹ, cản trở vận động.... Đây là phương pháp điều trị hiệu quả, ít biến chứng.

Gần đây sử dụng phẫu thuật nội soi điều trị nang bao hoạt dịch trở thành xu hướng. Do vết mổ nhỏ, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ. Hơn nữa hiệu quả điều trị cao, tỉ lệ biến chứng cũng như tái phát thấp.

“Dù vậy, ngay cả khi đã phẫu thuật thì u bao hoạt dịch vẫn có thể tái phát vì một số lý do như cổ bao đóng không kín, phẫu thuật chưa lấy hết chân u, cố định vết khâu chưa đủ thời gian… Sau phẫu thuật, người bệnh cần sử dụng thuốc đề phòng nhiễm khuẩn theo chỉ định, tránh vận động khớp quá sớm, hạn chế làm việc nặng tác động lên khớp cổ tay…”, BSCKII Nguyễn Trần Quang Sáng nhấn mạnh.

Biện pháp phòng ngừa

- Tăng cường tập luyện cho vùng khớp cổ tay bằng những động tác đơn giản như xoay cổ tay, gập duỗi nhẹ nhàng. Các bài vận động này sẽ giúp khớp cổ tay giảm áp lực, thư giãn nhiều hơn.

- Không thực hiện lặp đi lặp lại những động tác yêu cầu dùng đến cổ tay trong thời gian dài. Nếu liên quan đến đặc thù công việc như vận động viên, nhân viên văn phòng…, bạn nên dành một khoảng thời gian nghỉ ngơi để thư giãn khớp cổ tay.

- Giảm thiểu các hành động gây căng thẳng lên cổ tay như viết, đánh máy, làm vườn, chơi nhạc cụ, nâng tạ, chơi bóng chuyền, bóng rổ… Chỉ quay lại các hoạt động này khi bạn đã kiểm soát tốt tình trạng đau và sưng.

Duy trì lối sống khoa học, lành mạnh bằng cách kiểm soát tốt cân nặng, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tránh những loại đồ uống chứa cồn, chất kích thích và thuốc lá.

Khi cổ tay xuất hiện tình trạng đau nhức dai dẳng, nên gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và có hướng xử trí kịp thời.

Thúy Nga