Tuyến đèo hiểm trở nhưng mê hoặc nhất nhất Việt Nam 06:00 13/09/2021 (GMT+7) Là tuyến đèo dài nhất Việt Nam, đèo Hòn Giao có địa hình phức tạp với nhiều khúc cua gấp, một bên là vách đá cao một bên là vực sâu thẳm. Tuy nhiên, đây cũng là tuyến đường mê hoặc bởi núi rừng nguyên sơ và sương mù giăng phủ. Đèo Hòn Giao dài khoảng 33km, là một trong những tuyến đèo dài nhất Việt Nam. Đèo Hòn Giao nằm trong Cung đường xanh Tây Nguyên nối thành phố biển Nha Trang với thành phố hoa Ðà Lạt. Đèo Hòn Giao cao 1.700m còn được biết đến với những tên gọi như đèo Khánh Lê, Khánh Vĩnh, Bidoup, Long Lanh và một tên gọi của riêng dân du lịch: đèo Omega. Đèo Hòn Giao có địa hình phức tạp với một bên là vách đá cao một bên là vực sâu đến 300m. Ngoài ra, dù mặt đường đẹp, lưu lượng xe qua lại không nhiều nhưng đường khá hẹp, nhiều khúc cua gấp, cua đánh võng, nhất là lúc đổ đèo khiến nhiều người cảm thấy lạnh sống lưng. Ngoài ra, lượng mưa ở đây khá lớn nên đoạn đường này hay bị sạt lở. Vào mùa mưa, đường đèo thường hứng chịu hàng ngàn tấn đất đá đổ xuống làm giao thông tê liệt. Mùa mưa năm 2018 tại tuyến đèo này đã xảy ra hơn 10 điểm sạt lở. Mặc dù nguy hiểm luôn rình rập, nhưng đây cũng là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam nối liền cao nguyên hoa và phố biển mộng mơ. Chính vì thế mới có câu “Đèo Khánh Lê vừa mê vừa sợ”. Với chiều dài 33 km, đèo chia 2 vùng khí hậu rõ rệt. Phía sườn Đông con đèo mang đậm khí hậu nhiệt đới với gió biển. Đến giữa đèo có sự pha trộn giữa gió biển và gió núi lành lạnh đặc trưng từ cao nguyên Lâm Viên. Qua đỉnh đèo không khí trở nên mát lạnh. Không chỉ cảm nhận được sự thay đổi “chóng mặt” của khí hậu, cảnh đẹp của đèo Hòn Giao cũng mê đắm lòng người. Núi rừng hùng vĩ hai bên đèo cùng với đó là những thác nước trắng xóa đổ xuống con đường quanh co uốn lượn tạo ra vẻ đẹp kỳ ảo. Mỗi khúc quanh là một khung cảnh mới vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Đặc biệt là sương. Sương giăng mắc khắp nơi, chảy xuống cả thung lũng. Cách tuyệt vời nhất để thưởng ngoạn cảnh đẹp của đèo là đi xe máy. Chỉ đi một đoạn ngắn là đã những con dốc cao bắt đầu xuất hiện, sương mù dày đặc. Có những đoạn cua gấp như khuỷu tay, dù chắn rào nhưng đòi hỏi bạn phải vững tay lái và tinh thần ổn định. 1.000 m, rồi 1.500 m, cứ thế xe như leo lên trời khi lưng chừng đèo là những đám mây vờn vũ. Lúc này sương đã tan và nắng tưng bừng khắp nơi len lỏi qua từng ngọn cây thông cao, len lỏi qua từng màn sương mờ ảo. Đám mây dưới núi nhìn đã rất xa, khiến du khách ngỡ mình đang ở trên trời nhìn xuống hạ giới. Cuộc đổ đèo cũng thú vị không kém khi bạn “rơi” từ độ cao 1.700 m xuống 1.000 m, rồi dưới 500 m. Quay lưng nhìn lại quang cảnh đã đổi thay rõ rệt. Hành trình hiểm trở, cân não những nên thơ kết thúc trong cảm giác thật hân hoan và sung sướng. Mời độc giả xem video: Cặp vợ chồng 40 năm sống biệt lập giữa rừng Sài Gòn. Nguồn: VTV24. Thu Hà (tổng hợp) Du Lịch Việt Nam ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN Sử dụng lại thông tin email và họ tên từ lần bình luận gần nhất * Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu Gửi bình luận × Close Thông tin thêm Họ tên Email