Tự dùng thuốc có thể sẽ làm bệnh Covid-19 nặng hơn

Hiện nay, do lo ngại dịch bệnh, một số người dân thường ra nhà thuốc, tự khai bệnh để mua thuốc điều trị bệnh Covid-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dùng thuốc không đúng thời điểm có thể làm bệnh Covid-19 nặng thêm.
ts.bs-nhu-vinh.jpg

Nhân viên y tế khi kê toa sẽ lường trước các tác dụng phụ có thể xảy nên sẽ dặn dò hoặc không kê thuốc đó cho những người có nguy cơ cao bị tác dụng phụ.

Theo TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nếu người bệnh không nắm được các tác dụng của thuốc mà tự ý mua dùng thuốc, khi các tác dụng phụ đó xảy ra, sức khoẻ người bệnh có thể sẽ xấu hơn khiến họ có thể phải nhập viện. Khi đó, sức đề kháng của họ cũng có thể giảm và bệnh Covid-19 có thể nặng hơn.

Bên cạnh đó, nhiều thuốc chữa Covid-19 cần dùng đúng thời điểm mới phát huy hiệu quả. Nếu dùng quá sớm hay quá muộn đều có thể gây hại cho cơ thể mà không đem lại lợi ích gì.

Theo TS.BS Như Vinh, thuốc kháng viêm corticoid (có trong gói thuốc B) nếu dùng quá sớm trong giai đoạn virus đang nhân đôi và chưa có tổn thương phổi theo nhiều nghiên cứu là có thể làm cho bệnh dễ diễn tiến nặng hơn.

Ngược lại thuốc kháng virus nếu dùng quá trễ, qua giai đoạn virus nhân bản, không có lợi và có thể chỉ có tác dụng phụ.

Do vậy, việc dùng thuốc đúng chỉ định rất quan trọng trong điều trị Covid-19 và đừng vì quá nôn nóng mà tự ý ra nhà thuốc, mua các loại kháng sinh và dùng các thuốc không rõ chỉ định, liều lượng sẽ gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.

Do vậy, khi bệnh nhân F0 tại nhà chưa kịp nhận các gói thuốc hỗ trợ A,B,C, TS.BS Như Vinh khuyến nghị, nên cách ly để tránh lây bệnh cho người khác. Súc họng bằng nước muối thường xuyên và uống nhiều nước chia nhiều lần trong ngày (uống cho đến khi nước tiểu trong là đủ nước).

Ăn ngủ đúng giờ, ăn nhiều rau quả, tránh các thức ăn nhiều đường, béo. Người bệnh có thể uống các nước mát để giải nhiệt cơ thể khi bị sốt.

Đối với tủ thuốc gia đình, chúng ta có thể chuẩn bị sẵn các thuốc cơ bản như thuốc hạ sốt và giảm đau, thuốc ho, thuốc chống dị ứng, thuốc chống đầy hơi, tiêu chảy, các thuốc vitamin hay thuốc bổ…

Bên cạnh đó, nên chuẩn bị các thiết bị y tế cơ bản như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nhiệt kế, máy đo oxy kẹp ngón tay.

Nếu trong nhà có người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, huyết áp, mỗi gia đình có thể cần thêm máy đo huyết áp và máy thử đường huyết.

Thuốc kháng đông và kháng viêm (gói thuốc B) có thể chuẩn bị sẵn nhưng chỉ được dùng khi có ý kiến của nhân viên y tế.

Mỗi nhà thuốc tư nhân sẽ đóng vai trò tư vấn, chăm sóc cho F0 điều trị tại nhà.

Người dân đến nhà thuốc với triệu chứng như sốt, ho, khó thở, nhân viên nhà thuốc có trách nhiệm hướng dẫn người dân đến trạm y tế lưu động để được chăm sóc, điều trị kịp thời.

ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM.

An Quý