Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan nhỏ.
Bệnh sán lá gan nhỏ là bệnh ký sinh trùng do sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan gây nên những tổn thương đường mật, túi mật, các cơ quan khác với các bệnh lý tùy theo mức độ nhiễm, thời gian nhiễm.
Người nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn các thức ăn từ cá chưa được nấu chín có ấu trùng sán lá gan nhỏ còn hoạt động như gỏi cá, lẩu cá, cá muối, cá ngâm giấm, cá khô, cá hun khói...
Mọi đối tượng đều có thể bị nhiễm sán lá gan nhỏ. Không có miễn dịch lâu dài và có thể dễ dàng tái nhiễm.
Theo Bộ Y tế, tuỳ thuộc vào thời gian mắc bệnh và cường độ nhiễm cũng như các yếu tố ảnh hưởng mà các biểu hiện lâm sàng điển hình hay không điển hình. Đa số trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng lâm sàng hoặc có một số triệu chứng như:
- Rối loạn tiêu hóa: phân sống, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch, ăn nhiều mỡ đau tăng lên.
- Mệt mỏi, chán ăn, gầy sút.
- Đau tức hạ sườn phải và vùng gan, xuất hiện khi lao động nặng, đi lại hoặc khi sức khỏe giảm sút. Đôi khi có cơn đau gan điển hình và kèm theo vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp bị sạm da.
- Gan có thể sưng to dưới bờ sườn, mềm, mặt nhẵn và tiến triển chậm, lúc này có thể đau điểm túi mật.
Khi mắc sán lá gan, giai đoạn đầu bệnh nhân có các triệu chứng giống rối loạn tiêu hoá, sau thì mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, giảm cân, đau vùng thượng vị, hạ sườn, tiêu chảy, vàng da…
Khi nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế làm xét nghiệm và điều trị bằng thuốc. Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cá chưa nấu chín.
Người dân không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước đồng thời định kỳ tẩy sán cho chó, mèo, lợn.