|
Tháng 4/2021, các chuyên gia thuộc Dự án Xác ướp Warsaw đã công bố nghiên cứu về trường hợp xác ướp Ai Cập cổ đại mang thai đầu tiên được phát hiện trên thế giới. |
|
Xác ướp bí ẩn từng bị lầm tưởng là của linh mục Hor-Djehuti cho đến khi kết quả kiểm tra vào năm 2016 cho thấy đó là một phụ nữ. Sau đó vài năm, kết quả quét CT đã gây choáng váng khi người ta phát hiện một bào thai 26-30 tuần tuổi trong bụng cô. |
|
Thông thường thai nhi trong cơ thể các nữ quý tộc Ai Cập qua đời sẽ được mang ra khỏi cơ thể mẹ và ướp xác riêng. Không rõ lý do bào thai này được để nguyên. |
|
Nghiên cứu mới đây của nhóm Dự án Xác ướp Warsaw cho thấy, thai nhi đã tự biến đổi để cùng trở nên vĩnh cửu với mẹ. Nó được bảo quản nguyên vẹn như bất kỳ xác ướp Ai Cập nào khác, cho dù các thủ thuật ướp xác chỉ được làm với người mẹ. |
|
Nhóm nghiên cứu giải thích, để làm khô cơ thể người phụ nữ mang thai, những người ướp xác đã dùng natron phủ lên. Natron là một hợp chất tự nhiên của muối natri, được sử dụng rộng rãi ở Ai Cập, Trung Đông và Hy Lạp thời cổ đại. |
|
Loại bột này chủ yếu được dùng giống như baking soda trong nấu ăn, y học và nông nghiệp, nhưng cũng có các ứng dụng trong sản xuất thủy tinh và ướp xác. Natron đóng vai trò như chất khử trùng và hút ẩm (làm khô) tự nhiên và là thành phần chính trong quy trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại. |
|
Khi loại bỏ cơ quan nội tạng của người chết và thêm vào natron khô, các mô cơ thể được bảo quản. Sau đó, hài cốt được bọc bằng bùn sông Nile khô, mùn cưa, địa y và vải khô. |
|
Khi natron bao phủ cơ thể người phụ nữ mang thai, quá trình này khiến axit formic và các hợp chất khác xuất hiện bên trong tử cung, tạo điều kiện hoàn hảo để bảo tồn thai nhi.
|
|
Cụ thể, do một số quá trình hóa học liên quan đến sự phân hủy, độ pH trong cơ thể người phụ nữ chuyển từ môi trường kiềm sang môi trường có tính axit cao hơn.
|
|
Sự thay đổi từ môi trường kiềm sang môi trường axit dẫn đến các khoáng chất trong xương của thai nhi thoát ra, khiến xương khô đi và bị khoáng hóa. |
|
Nhóm nghiên cứu cho biết, quá trình ướp xác của người Ai Cập theo quan điểm hóa học là quá trình khoáng hóa các mô có thể tồn tại một thiên niên kỷ. |
|
Toàn bộ cơ thể thai nhi trải qua quá trình khoáng hóa, y như cách người Ai Cập đã cố tạo nên cho các mô của xác ướp người lớn. Đó là lý do trong ảnh chụp CT, thai nhi hầu như không thấy xương cho dù hình hài thì rất nguyên vẹn. |