Tết Thanh minh là gì, rơi vào ngày nào?
Thanh minh là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Về mặt nghĩa đen, “Thanh” có nghĩa là trong lành, sạch sẽ, “Minh” có nghĩa là tươi sáng. Tiết Thanh minh nghĩa là khi trời mát mẻ quang đãng.
Tính từ đầu năm trở đi, tiết Thanh minh đứng thứ 5, sau các tiết Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân. Ở miền Bắc Việt Nam, đây là thời điểm trời đã hết mưa phùn, nồm ẩm, thời tiết trở nên trong sáng, dễ chịu, thích hợp cho các hoạt động ngoài trời.
Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày, và ngày đầu tiên được gọi là Tết Thanh minh. Vào năm 2023, Tết Thanh minh sẽ rơi vào ngày 5/4 dương lịch, tức ngày 15/2 âm lịch, sau khi kết thúc tiết Xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4.
Ngày hôm đó có các giờ tốt như: Giờ Sửu (1 giờ - 3 giờ), Giờ Thìn (7 giờ - 9 giờ), Giờ Ngọ (11 giờ - 13 giờ), Giờ Mùi (13 giờ - 15 giờ), Giờ Tuất (19 giờ - 21 giờ), Giờ Hợi (21 giờ - 23 giờ).
|
Người dân đi tảo mộ vào dịp Tết Thanh minh. Ảnh: Dân Trí. |
Mâm lễ đón Tết Thanh minh
Vào Tết Thanh minh, các gia đình sẽ đi tảo mộ và làm lễ tại bàn thờ gia tiên. Vì vậy ngày này thường có hai phần lễ cần chuẩn bị, thứ nhất là mâm cúng ngoài mộ và thứ hai là mâm cúng dâng bàn thờ tại nhà.
Mâm cúng Thanh minh ngoài mộ, có thể khác nhau tùy theo điều kiện và thói quen của mỗi gia đình. Thông thường, lễ chay được ưa chuộng hơn vì mang đến cảm giác gọn gàng, thanh tịnh với những món như xôi chè, hoa quả, bánh trái, gạo muối, trầu cau và tiền vàng.
Dù vậy, lễ mặn cũng được nhiều gia đình lựa chọn. Mâm lễ mặn thường có thêm chân giò, gà luộc và những món xào hoặc nem rán.
Mâm cúng dâng bàn thờ tại nhà cũng không cần phải quá cầu kỳ, phức tạp. Theo thông lệ, mâm lễ này sẽ đủ các món như gà luộc, xôi đỗ, canh măng miến, đĩa rau xào, nem rán... Ngoài ra, lễ cúng không thể thiếu được trái cây, hoa tươi, trầu cau, một ít vàng mã.
|
Mâm lễ Tết Thanh minh thường có gà luộc. Ảnh: Chạn |
Trong cuộc sống hiện đại, ngày nay cũng có nhiều gia đình không làm mâm cúng Tết Thanh minh. Trong ngày này, ngoài việc tảo mộ, dọn dẹp bàn thờ, họ chỉ thắp hương với hoa quả tươi, trà với bánh kẹo để bày tỏ sự thảo kính tổ tiên.
Kiêng kỵ trong Tết Thanh Minh
Theo quan niệm dân gian, trong ngày Tết Thanh minh, gia chủ không nhất thiết phải chú trọng chuyện mâm cao cỗ đầy nhưng phải biết những điều kiêng kỵ để tránh vận xui.
Theo đó, khi đi tảo mộ vào dịp Tết Thanh minh, mọi người không đi qua nơi hoang vu, hẻo lánh, cỏ cây rậm rạp, mà nên đi trên những con đường rộng rãi, thoáng đãng nhiều người qua lại. Nên đi cùng nhiều người.
Phụ nữ đến tháng, phụ nữ có thai hay người bị phong hàn thấp khớp thì không nên đi tảo mộ vì khu vực nghĩa trang có nhiều âm khí, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Lúc đến nghĩa trang, khi đi ngang mộ phần người khác cần tránh giẫm đạp lên mộ, làm đổ đồ cúng của người khác. Không nên bàn tán chỉ trỏ vào mộ người khác vì như vậy là thiếu sự tôn trọng với người đã mất. Trẻ nhỏ, thanh thiếu niên cần đặc biệt lưu ý chuyện này.
Bởi vì tảo mộ là khoảng thời gian gia đình tụ tập lại với nhau nên mọi người thường chụp ảnh kỷ niệm. Tuy nhiên điều này không được khuyến khích tại khu vực nghĩa trang.
Trước khi tu sửa dọn dẹp mộ phần, cần thắp hương khấn gia tiên để xin phép. Khi dọn dẹp mộ phần nên dọn sạch sẽ trước sau cũng như kiểm tra tình trạng mộ để tránh chuột rắn rết bò vào bên trong. Nếu như xung quanh mộ có nước thì phải dọn sạch.
Vào tết Thanh minh, mọi người không nên để tóc phủ trước trán. Người xưa cho rằng, trán là cánh cửa vận mệnh của con người, là nơi đèn thần soi rọi, không nên để tóc che phủ vào ngày này.
Ngoài ra, cũng không nên tổ chức các sự kiện hiếu, hỉ, tiệc tùng linh đình, ồn ào vào Tết thanh minh, vì đây là ngày cần toàn tâm toàn ý với các bậc tiên tổ.
Vì sao người Việt đi tảo mộ Tết Thanh minh?
Như đã nói ở trên, Tết Thanh minh là khoảng thời gian thời tiết ôn hòa, sáng sủa, không khí mát mẻ dễ chịu, vạn vật sinh sôi, tươi tốt. Đây là dịp thích hợp cho hoạt động dọn dẹp, sửa sang lại mộ phần, hướng về nguồn cội.
Vào ngày Thanh minh, không chỉ người lớn mà cả trẻ con cũng được cho ra mộ để thăm viếng, bái tế tổ tiên, thân nhân đã khuất, vừa để nhận biết phần mộ của gia tộc, tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, vừa học hỏi dần để tiếp nhận, tiếp nối phong tục truyền thống.
Không chỉ chăm sóc, thắp hương cho phần mộ gia tộc mình, trong dịp Tết Thanh minh người Việt cũng giúp quét dọn, thắp hương cho những nấm mồ vô chủ hoặc ít người thăm viếng, thể hiện lòng thương cảm, chia sẻ... để người dưới mộ được ấm lòng, đỡ cô đơn buồn tủi.
|