Ít ai ngờ rằng, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - người đặt nền móng xây dựng ngành khoa học kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng Việt Nam - là Chủ tịch đáng kính đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) khóa I, nhiệm kỳ 1983 - 1988.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỹ sư Trần Đại Nghĩa (phải). Ảnh tư liệu |
Huyền thoại tên gọi Trần Đại Nghĩa...
Kĩ sư Phạm Quang Lễ - Nhà khoa học quân sự tài năng Trần Đại Nghĩa... tên gọi huyền thoại xuất hiện khi nào? Theo hồi tưởng của “Vua” vũ khí Việt Nam: “Sáng ngày 5 tháng 12 năm 1946, một ngày lịch sử mà tôi nhỡ mãi, đúng hai tuần trước khi cuộc Toàn quốc kháng chiến bùng nổ Bác Hồ gọi tôi đến Bắc Bộ Phủ. Đúng 7h sáng tôi có mặt cũng giống như ngày nào ở thành phố Lion, chỉ có Bác Hồ và tôi. Bác bảo: Kháng chiến toàn quốc sắp tới nơi, Bác giao chú nhiệm vụ Cục trưởng Cục quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là nhiệm vụ đại nghĩa, vì thế, Bác đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa. Đây là bí danh từ nay trở đi của chú, để giữ bí mật và cũng là để giữ an toàn cho bà con thân thuộc của chú ở trong miền Nam. Bác tin chắc chú sẽ làm tròn nhiệm vụ”.
Từ ngày 5/12/1946, kĩ sư Phạm Quang Lễ (sinh ngày 13/9/1913 tại xã Chánh Hiệp - nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) có tên họ mới là Trần Đại Nghĩa. Tên khai sinh của ông chỉ còn trong lý lịch cán bộ, được giữ kín suốt hai cuộc kháng chiến cho đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước.
Theo cuốn “Những trí thức Việt kiều theo bước Bác Hồ” của tác giả Thành Đức, tên họ Bác Hồ đặt cho chàng kĩ sư Vĩnh Long có ý nghĩa lịch sử sâu sắc không chỉ đối với bản thân GS.VS Trần Đại Nghĩa, mà cho con cháu mãi mãi về sau. Tất cả con cháu ông đều mang họ Trần” Trần Dũng Trí, Trần Dũng Triệu, Trần Dũng Trình, Trần Dũng Trọng...
|
Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Vast.ac |
“Muốn phục vụ đất nước thì phải biết chế tạo vũ khí”
Theo các nhà khoa học, các nghiên cứu về tổng kết chiến tranh chống Pháp và Mỹ cũng đều khẳng định vai trò không thể thiếu của vũ khí, trang bị do Việt Nam tự thiết kế, chế tạo. Theo đó, GS.VS Trần Đại Nghĩa là một trong những "cánh chim đầu đàn" của khoa học - công nghệ Việt Nam và của đội ngũ trí thức trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
“Nhìn vào lịch sử nước nhà, muốn phục vụ đất nước thì phải biết chế tạo vũ khí đi đôi với con người có tài thao lược. Năm học cuối cấp ở trường Mỹ Tho, tôi bước sang tuổi mười bảy, cảm thấy mình có năng khiếu môn Toán và các môn khoa học tự nhiên. Từ đó, tôi nung nấu ý chí theo hướng này, học cho tốt để có đủ năng lực tham gia chế tạo vũ khí cho các cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp. Đó là hoài bão của tôi”, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa từng chia sẻ.
Tìm hiểu của Tri thức và Cuộc sống cho thấy, hoài bão của ông Trần Đại Nghĩa chỉ có thể trở thành hiện thực khi ông được gặp Bác Hồ vào năm 1946. Trong những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Paris, ông thường xuyên được tháp tùng Người. Tư tưởng, nhân sách, tri thức uyên thâm của Bác Hồ đã làm cho kĩ sư trẻ Phạm Quang Lễ tràn đầy niềm tin, quyết chí theo Bác để thực hiện hoài bão chế tạo vũ khí.
Ngày 19/9/1946, Phạm Quang Lễ từ bỏ công việc kỹ sư trưởng ở một hãng nghiên cứu chế tạo máy bay với mức lương là 5.500 fance/tháng, tương đương với 22 lạng vàng/tháng để về nước trên chiến hạm Dumont d’Urville từ cảng Toulon. Ngày 20/10/1946, tàu cập cảng Hải Phòng. Phạm Quang Lễ được phân công về Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng), tham gia nghiên cứu chế tạo súng chống tăng theo mẫu Bazooka của Mỹ với hai viên đạn dự trữ do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu cung cấp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trọng dụng và trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Trần Đại Nghĩa khi đất nước phải đối phó với thù trong, giặc ngoài sau Cách mạng tháng Tám. Ngày 5/12/1946, Người gọi Phạm Quang Lễ về Hà Nội trực tiếp giao ông làm Cục trưởng Cục Quân giới (đóng tại Ứng Hòa) với nhiệm vụ “lo vũ khí cho bộ đội”. “Làm vũ khí cho bộ đội đánh giặc là một việc làm Đại Nghĩa”, Bác Hồ nhấn mạnh.
Nhận nhiệm vụ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và gần như bắt đầu từ số không, sau 3 năm, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đưa ngành quân giới non trẻ phát triển mạnh mẽ. Ông các cộng sự đã có những sáng tạo khoa học phi thường, chế tạo được nhiều loại vũ khí kịp thời phục vụ bộ đội chiến đấu, như: súng và đạn Bazooka, SKZ, đạn AT và các loại bom bay... Những vũ khí được Cục Quân giới chế tạo đã góp phần quan trọng để bộ đội ta giành thắng lợi trên các chiến trường, đặc biệt là chiến dịch biên giới 1950.
|
Bom bay do Quân giới Việt Nam sản xuất 3/1948. Ảnh: VinhlongOnline. |
Trên báo Nhân dân số 61, ra ngày 12/6/1952 với bút danh CB, Bác Hồ viết: “Là một đại trí thức đi học ở Châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, đó là Anh hùng lao động trí óc Trần Đại Nghĩa”.
Chủ tịch đáng kính của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Bằng tài năng trí tuệ, tri thức uyên thâm trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, bằng tinh thần ái quốc cao cả, kinh nghiệp thực tiễn phong phú từ các cuộc chiến tranh, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã quy tụ được trí tuệ của các thế hệ nhà khoa học - kĩ thuật, nhận nhiệm vụ xây dựng ngôi nhà chung của giới trí thức. Ngày 26/03/1983, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được tổ chức. GS.VS Trần Đại Nghĩa được bầu làm Chủ tịch đầu tiên.
GS. Nguyễn Thiện Phúc, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Nội nhớ lại “Đêm hôm trước ngày Đại hội, ban tổ chức đã đến báo cáo tình hình chuẩn bị với Giáo sư Trần Đại Nghĩa, tôi cũng ngồi tham dự. Sau buổi làm việc đó, Giáo sư có vẻ ưu tư lắm và dường như không ngủ được. Giáo sư gọi tôi sang, pha một ấm chè và hai thầy trò nói chuyên với nhau đến rất khuya. Câu chuyện bắt đầu từ việc sửa sang, chỉnh lý lại hai bài phát biểu để Giáo sư và tôi sẽ đọc vào sáng mai. Sau đó, là những câu chuyện về khoa học và Đất nước”.
|
Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. |
Trong nhật ký của mình, GS. Trần Đại Nghĩa viết: “Ngày 30/4/1975, nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, vì hoài bão của tôi hồi nhỏ, sứ mạng của tôi rất đơn giản là tham gia về mặt khoa học, kỹ thuật vũ khí trong cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng để giải phóng đất nước, và nay đất nước đã được giải phóng, tôi không muốn gì hơn nữa, vì một đời người không thể làm hơn”.
GS.VS Trần Đại Nghĩa đứng trước những khó khăn lớn về nhiều mặt. GS.TS. Tô Bá Trọng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam, kể: Thời đó, trụ sở cơ quan nguyên là nhà dân, ở số 30A phố Bà Triệu, Hà Nội. Về nhân sự, hầu hết các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam là những cán bộ kiêm nhiệm. Nhân lực của cơ quan không quá mười người, thành thử phần lớn trọng trách đặt lên vai Chủ tịch Trần Đại Nghĩa. Một chiếc xe Volga đen duy nhất của cơ quan dùng để đưa đón Chủ tịch, nhưng nhiều khi vẫn được GS.VS Trần Đại Nghĩa cho sử dụng vào các nhiệm vụ khác của cơ quan.
Từ năm 1983-1988, dưới sự dẫn dắt của GS.VS Trần Đại Nghĩa, quy mô của Liên hiệp Hội Việt Nam đã được mở rộng. Công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức cũng được chú trọng. Nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức. Tại đây, các trí thức đã đóng góp nhiều ý kiến tâm đắc và sâu sắc vào dự thảo nhiều văn kiện quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng vả Nhà nước. Hoạt động hợp tác quốc tế cũng sớm được Chủ tịch Trần Đại Nghĩa triển khai nhằm giới thiệu với quốc tế về một tổ chức mới; đồng thời trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế…
Sau khi hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch đầu tiên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II và III nhất trí suy tôn GS. Trần Đại Nghĩa là Chủ tịch danh dự Liên hiệp hội Việt Nam. Giáo sư cũng có nhiều đóng góp xây dựng Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện Khoa học Việt Nam…
GS.VS Trần Đại Nghĩa được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1952, khi ông vừa tròn 38 tuổi và nhiều huân chương, giải thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - kĩ thuật.
Để ghi nhớ công lao to lớn của Giáo sư, nhiều công trình tại các đơn vị, địa phương trong cả nước đã được vinh dự mang tên ông: phố Trần Đại Nghĩa ở Hà Nội, đường Trần Đại Nghĩa tại TP. Đà Nẵng, đường Trần Đại Nghĩa tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, tên của ông còn được đặt cho một số trường học trên cả nước, trong đó có Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa ở TP Hồ Chí Minh; Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa ở TP Vĩnh Long và Trường THPT Trần Đại Nghĩa ngay tại quê hương đồng chí (huyện Tam Bình)...
Kỳ 2: “Gia sản” vũ khí của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa