Nội tiết tố, bộ điều khiển thầm lặng trong cơ thể phụ nữ
Hệ nội tiết của con người là một mạng lưới các tuyến như tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận, tụy, buồng trứng (ở nữ), tinh hoàn (ở nam)… Các tuyến này tiết ra hormone – những “sứ giả hóa học” truyền tín hiệu trong cơ thể để kiểm soát các chức năng quan trọng như: điều hòa chuyển hóa, điều chỉnh tâm trạng, kiểm soát nhịp tim, huyết áp, chức năng sinh sản và sự phát triển.
Ở phụ nữ, estrogen và progesterone là hai hormone chính có vai trò điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, duy trì sức khỏe sinh sản, ổn định cảm xúc, cải thiện chất lượng giấc ngủ, bảo vệ tim mạch và giúp duy trì vẻ đẹp nữ tính. Một sự mất cân bằng nhỏ trong hệ thống này cũng có thể gây ra hậu quả lớn.
 |
Hình minh hoạ/ Nguồn: Internet |
Rối loạn nội tiết là gì, vì sao nguy hiểm?
Rối loạn nội tiết xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít một loại hormone nhất định, làm phá vỡ sự cân bằng cần thiết cho hoạt động bình thường của các cơ quan. Điều đáng lo ngại là tình trạng này thường phát triển âm thầm, kéo dài và dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm lý hoặc sinh lý thông thường như mệt mỏi, stress, trầm cảm nhẹ…
Một số biểu hiện điển hình của rối loạn nội tiết ở phụ nữ bao gồm: Kinh nguyệt không đều, chậm kinh, mất kinh hoặc rong kinh; Tăng cân không rõ nguyên nhân, đặc biệt ở vùng bụng; Nổi mụn, da sạm màu, lão hóa sớm; Tóc rụng nhiều, lông mọc bất thường (vùng mặt, ngực, bụng); Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, hay thức giấc giữa đêm; Tâm trạng thất thường, dễ cáu gắt, trầm cảm, lo âu; Giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo, đau khi quan hệ; Khó mang thai, sảy thai liên tiếp
Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, rối loạn nội tiết có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như:
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Rối loạn tuyến giáp (suy giáp, cường giáp)
Rối loạn chuyển hóa (tiểu đường type 2, tăng huyết áp)
Loãng xương, suy giảm trí nhớ sớm
Nguy cơ ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung
Nguyên nhân phổ biến của rối loạn nội tiết ở phụ nữ
Thay đổi sinh lý theo từng giai đoạn cuộc đời
Tuổi dậy thì
Thai kỳ và sau sinh
Giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh
Căng thẳng kéo dài và thiếu ngủ
Stress làm tăng nồng độ cortisol, hormone của sự căng thẳng, từ đó ức chế sản xuất estrogen và progesterone.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh
Ăn nhiều đường, chất béo xấu, thực phẩm chế biến sẵn
Thiếu vận động
Lạm dụng thuốc tránh thai, thuốc giảm cân
Tiếp xúc với các chất gây rối loạn nội tiết (EDCs)
Các hóa chất này có trong bao bì nhựa, mỹ phẩm chứa paraben, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu… Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng bắt chước hoặc cản trở hoạt động của hormone tự nhiên.
Cách nhận biết và chẩn đoán rối loạn nội tiết
Việc chẩn đoán rối loạn nội tiết đòi hỏi phải kết hợp giữa khai thác triệu chứng, khám lâm sàng và xét nghiệm máu/hình ảnh học như:
Kiểm tra nồng độ hormone (FSH, LH, estrogen, testosterone, prolactin…)
Siêu âm buồng trứng và tử cung
Xét nghiệm tuyến giáp
Đánh giá chuyển hóa: insulin, đường huyết, lipid máu
Phụ nữ nên chủ động khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi nhận thấy những thay đổi bất thường kéo dài trong cơ thể.
Điều trị, cân bằng nội tiết: Cần cả khoa học và lối sống
Tùy nguyên nhân và mức độ rối loạn, bác sĩ có thể chỉ định:
Điều trị nội khoa: dùng hormone thay thế, thuốc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, kiểm soát PCOS…
Thay đổi lối sống: Đây là nền tảng giúp hormone tự cân bằng lại một cách bền vững.
Những điều phụ nữ nên làm để phòng và cải thiện rối loạn nội tiết:
Ăn uống khoa học: tăng cường rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, hạt lanh), tránh xa thức ăn nhanh, đường tinh luyện.
Tập thể dục đều đặn: yoga, đi bộ nhanh, bơi lội… giúp giảm stress và cải thiện chuyển hóa.
Ngủ đủ giấc (7-8 tiếng mỗi đêm) và tránh thức khuya.
Giảm stress bằng thiền, đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện với người thân.
Chọn sản phẩm an toàn: mỹ phẩm, đồ nhựa, sản phẩm chăm sóc cá nhân không chứa chất gây rối loạn nội tiết.
Không tự ý dùng thuốc nội tiết khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Khám phụ khoa định kỳ và kiểm tra hormone khi cần thiết.