-
Phố Hà Trung là con phố dài khoảng 200 mét, kéo dài từ phố Ngõ Trạm chạy ngoặt ra phố Phùng Hưng, ở phía Tây Nam khu phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Yên Trung Hạ, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi thành tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương cũ.
-
Tên phố Hà Trung có một nguồn gốc lịch sử khá thú vị. Theo đó, từ năm 1832 nhà Nguyễn có đặt một nhà trạm ở khu vực này để chuyển công văn giấy tờ của triều đình. Lúc đó có lệ rằng tên các trạm được đặt bằng cách lấy chữ đầu của tên tỉnh ghép với một chữ tên thôn.
-
Ngày ấy thành Thăng Long đã đổi ra là tỉnh Hà Nội cho nên trạm này có tên là trạm Hà Trung, ghép từ các chữ “Hà” của tỉnh Hà Nội với chữ “Trung” của thôn Yên Trung Hạ.
-
Sau khi chiếm Hà Nội, người Pháp bỏ hệ thống trạm, mở các sở “dây thép” tức bưu điện thay thế, nên trạm Hà Trung không còn nữa, nhưng cái tên Hà Trung vẫn được lưu lại và gắn với con ngõ dẫn đến trạm xưa, tức phố Hà Trung ngày nay.
-
Trên bản đồ hành chính Hà Nội đầu thời thuộc địa, phố được gọi là “rue Ha Trung” (phố Hà Trung) nhưng người dân quen gọi là ngõ Trạm Hà Trung.
-
Khoảng 1910, chính quyền thuộc địa mở một phố mới ở sau ngõ Trạm Hà Trung, gọi là phố Bourret. Nhưng người dân quen gọi phố mới này là ngõ Trạm Mới, còn ngõ Trạm Hà Trung là ngõ Trạm Cũ. Từ 1945, ngõ Trạm Cũ trở thành phố Hà Trung, còn ngõ Trạm Mới là phố Ngõ Trạm.
-
Ngoài ra, Hà Trung còn là tên một ngõ cụt từ phố Phùng Hưng rẽ vào chạy song song với phố Hà Trung.
-
Nhắc đến phố Hà Trung, không thể không nhắc đến nghề làm đồ da. Nghề này hình thành trên phố vào đầu thế kỷ 20, “tổ nghề” là một người làng Nành (Phù Ninh, nay thuộc xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm, Hà Nội) đi lính cho Pháp, học được nghề đóng giầy da, khâu yên ngựa, túi súng...
-
Người đó sau khi giải ngũ, ra mở một cửa hiệu đóng hàng da kiểu mới tại phố. Gọi là “kiểu mới” để phân biệt với hàng da kiểu truyền thống ở phố Hàng Giầy, ngõ Hài Tượng và đầu phố Hàng Bồ lúc đó. Từ cửa hàng của mình, ông truyền nghề cho họ hàng con cháu và đồng hương.
-
Từ đó phố Hà Trung trở thành một dãy phố có rất nhiều các cửa hàng đồ da kiểu Tây, bán các mặt hàng như va li, cặp sách, giày da... của dân làng Nành dời quê định cư ở đây.
-
Sau nhiều đổi thay của thời cuộc, nghề làm đồ da vẫn được duy trì và thịnh vượng trên phố cho đến ngày hôm nay.Từ đầu đến cuối phố có hàng chục cửa hàng đồ da, hàng hóa bày tràn ra vỉa hè, khách hàng qua lại tấp nập, tạo nên một khung cảnh đặc trưng của phố Hà Trung.
-
So với thời xưa, mặt hàng đồ da trên phố Hà Trung ngày nay phong phú hơn rất nhiều, từ các mặt hàng truyền thống như cặp, túi, thắt lưng, giày...
-
...Cho đến những sản phẩm gắn với đời sống hiện đại như yên xe máy, sàn ô tô.
-
Kể từ khi xe máy bùng nổ ở Hà Nội, phố Hà Trung đã trở thành địa chỉ bọc yên xe số một của thủ đô.
-
Bên cạnh da thuộc (da thật), chất liệu mới là simili (giả da, da công nghiệp) đã được sử dụng phổ biến với nhiều lựa chọn về màu sắc, hoa văn, giá thành rẻ hơn nhiều trong khi độ bền không kém so với da thật.
-
Không chỉ sản xuất đại trà với số lượng lớn, các cửa hàng đồ da trên phố còn nhận gia công đơn hàng riêng lẻ theo yêu cầu cụ thể của từng khách hàng với giá cả được coi là phải chăng.
-
Liên quan ít nhiều đến nghề làm đồ da là nghề may, với các hiệu may nằm rải rác dọc phố.
-
Một mặt hàng khác cũng hiện diện nhiều trên phố là các loại phông, bạt trùm.
-
Từ khoảng cuối thập niên 1990 trở lại đây, phố Hà Trung còn được biết đến với sự xuất hiện của nhiều cửa hàng bán vàng bạc đá quý kèm dịch vụ đổi tiền, chuyển tiền.
-
Do vậy, phố này con mang biệt danh là “phố ngoại hối”, “phố ngoại tệ” của Hà Nội.
-
Nhiều ngôi nhà có kiến trúc cổ còn được giữ gìn khá tốt trên phố Hà Trung.
-
Một số hình ảnh khác về phố Hà Trung.
-
-
-
-
Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt Nam quê hương tôi.