|
Phố Hàng Chai là con phố dài 85 mét, kéo dài từ phố Hàng Rươi đến phố Hàng Cót ở phía Bắc khu phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Tân Khai, thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. |
|
Tên gọi phố Hàng Chai có nguồn gốc từ việc phố này thời xưa có nhiều cửa hàng bán chai lọ và bao chè cũ. Ngoài ra phố còn tên gọi khác là phố Ngõ Ngang. |
|
Thời Pháp thuộc, phố được người Pháp gọi là ruelle Ngo Ngang (hẻm Ngõ Ngang). Kể từ năm 1945, phố chính thức mang tên Hàng Chai. |
|
Ít ai biết rằng phố Hàng Chai từng có một di tích gắn với một nghệ thuật truyền thống của kinh thành Thăng Long xưa, đó là nghề hát ả đảo. Cho tới thập niên 1930, giữa phố vẫn còn có một đình thờ tổ nghề hát ả đào, nằm sau khu nhà số 7. |
|
Tương truyền tổ nghề này là vợ chồng Đinh Dự từ Thanh Hóa ra Thăng Long, nhập cư làng Lỗ Khê, nay thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Đình thờ chính nằm ở làng Lỗ Khê, còn đình ở Hàng Chai là nơi thờ vọng. |
|
Khi ngôi đình ở Hàng Chai còn hoạt động, mỗi dịp giổ Tổ nghề hàng năm, các ả đào lại tụ về hát chầu thánh tổ, múa bài bông, khiến cả dãy phố trở nên náo nhiệt. Sau những biến đổi của thời cuộc, ngôi đình đã không còn nữa. |
|
Góc phố Hàng Chai - Hàng Cót có trường THCS Thanh Quan, là một di tích khác liên quan đến nghề ca hát. Tại đây, vào năm 1887, một thương nhân Hoa kiều đã xây rạp hát tuồng Tàu, là nhà hát đầu tiên của Hà Nội. Năm 1916, nhà hát được phá dỡ để xây trường học. |
|
Ngày nay, phố Hàng Chai là một trong những con phố ngắn và hẹp nhất phố cổ Hà Nội. Gọi là "phố" nhưng không gian ở nơi đây chật chội không khác gì một ngõ hẻm |
|
Nằm ở một vị trí khá đắc địa cho hoạt động buôn bán, cuộc sống trên phố diễn ra khá nhộn nhịp với các hàng quán tấp nập thực khách, những gánh hàng rong tất tưởi qua lại. |
|
Dù vẫn mang tên Hàng Chai nhưng phố không còn bán chai lọ như thời xưa nữa. Mặt hàng đặc trưng trên phố ngày nay là hoa giả, với các cửa hàng tập trung ở đoạn đầu phố giáp phố Hàng Rươi... |
|
Một số hình ảnh khác về phố Hàng Chai. |
Mời quý độc giả xem video: Những vị tổ nghề ở 36 phố phường. Nguồn: VTC10