Phẫu thuật thành công cho người đàn ông 40 tuổi vô ý làm đứt lìa "của quý"

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất máu nặng, huyết áp tụt, da và niêm mạc nhợt, vết thương dương vật bị đứt lìa sát gốc và máu đang chảy. 
Ngày 30/6, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận cuộc gọi từ một bệnh viện tuyến dưới, thông báo chuẩn bị chuyển viện trường hợp bệnh nhân bị đứt lìa dương vật. Theo đó, anh Việt (tên đã đổi, 40 tuổi, ở Sóc Trăng) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng máu chảy vùng dương vật.
Người nhà cho biết, anh Việt do vô ý bị đứt lìa “của quý. Bác sĩ tuyến dưới đã sơ cứu và hướng dẫn người nhà bảo quản phần dương vật bị đứt lìa, rồi chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Anh Việt nhập viện trong tình trạng mất máu nặng, huyết áp tụt, da và niêm mạc nhợt, vết thương dương vật bị đứt lìa sát gốc và máu đang chảy. Phần bị đứt được đặt trong túi nilông để trong thùng đá đi cùng bệnh nhân.
Bác sĩ CK II Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa ngoại niệu của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cùng êkíp lập tức mổ cấp cứu, nối và tạo hình dương vật cho bệnh nhân.
Phau thuat thanh cong cho nguoi dan ong 40 tuoi vo y lam dut lia
 
Sau 4 giờ, ca phẫu thuật khâu nối thành công. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định, vết mổ khô, dương vật hồng trở lại, sonde nước tiểu trong.
Bác sĩ Nguyễn Phước Lộc cho biết, việc khâu nối vi phẫu mạch máu đòi hỏi sự chính xác và nhịp nhàng của êkíp. Sự thành công của cuộc phẫu thuật còn do bệnh nhân được sơ cứu và bảo quản phần đứt đúng cách từ tuyến dưới, được phẫu thuật nối trong thời gian “vàng”.
Bảo quản đúng, cấp cứu kịp thời
Bác sĩ hướng dẫn khi "cậu nhỏ" bị đứt lìa một phần thì việc đầu tiên là phải nhanh chóng giữ lại đoạn bị đứt và bảo quản đúng cách. Trước tiên cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết như: nước muối sinh lý, băng gạc, chuẩn bị túi nilon, nước đá, thùng đá.
Sau đó thực hiện bảo quản theo nguyên tắc 2 túi: Đầu tiên lấy mảnh đứt rời đem rửa sạch bằng nước muối sinh lý, rồi quấn bằng gạc xung quanh, lại giội nước muối sinh lý lên trên cái gạc đó. Sau đó để đoạn đứt rời đó vào một chiếc túi, buộc thật chặt. Tiếp tục cho túi này vào túi thứ 2 to hơn và đổ đầy nước muối sinh lý vào đó rồi buộc chặt. Sau cùng để túi này vào một thùng đá, tốt nhất là đá nên đập nhỏ ra và dàn đều xung quanh.
Có hai khoảng thời gian cần lưu ý trong khi sơ cứu và khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Thời gian thiếu máu nóng (tức là tính từ lúc “cậu nhỏ” bị cắt cho đến lúc đoạn rời ra được bảo quản trong môi trường lạnh để hạ nhiệt độ, giảm thiểu tối đa chuyển hoá của nó) không được quá 6 tiếng. Bên cạnh đó, thời gian thiếu máu lạnh (tính từ lúc cậu nhỏ được bảo quản đúng cách cho đến lúc được ghép nối) có khoảng 16 tiếng.
Trong trường hợp không có được đầy đủ các vật dụng cần thiết như trên thì nhanh nhất có thể đưa phần đứt rời vào túi nilon sạch, hoặc bọc vào khăn sạch cho vào thùng nước đá. Tuyệt đối không để phần này tiếp xúc trực tiếp với đá sẽ gây bỏng lạnh dẫn đến chết động mạnh, tĩnh mạch.
Khi khâu bảo quản hoàn tất, cần chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện để thực hiện phẫu thuật, tốt nhất là trong khoảng thời gian 6 tiếng đầu.
Nếu thực hiện các bước bảo quản tốt và được phẫu thuật sớm, có đến 80 – 90% trường hợp “cậu nhỏ" được cứu sống và khôi phục hoàn toàn nếu cơ sở phẫu thuật có đầy đủ trang thiết bị hiện đại.
An Lê (TH)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN