-
1. Tọa lạc tại số 502 trên tỉnh lộ 43, thuộc phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP HCM, chùa Vạn Đức là ngôi chùa có kiến trúc cao tầng độc nhất vô nhị của Việt Nam.
-
Chùa có nguồn gốc từ một ngôi nhà xưa do thí chủ Nguyễn Thị Hương hiến cúng. Năm 1954, Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917 - 2014) đã xây dựng lại thành chùa và đặt hiệu là “Vạn Đức tự”. Từ năm 2003 đến năm 2005, chùa được đại trùng tu, trở nên khang trang như ngày nay.
-
Tòa chính điện mới của chùa Vạn Đức cao 43,5 mét. Nhìn từ xa trông như ngọn tháp chín tầng nhưng bên trong chỉ có hai tầng chính.
-
Tầng trệt là giảng đường, tầng trên là nội điện thờ Phật. Khu điện thờ với nhiều ô cửa sổ, ở giữa tôn trí tượng Phật Thích Ca và Tam thế Phật. Nổi bật trên nền kiến trúc nội điện là bức phù điêu cội bồ đề và phong cảnh sông Ni Liên Thiền.
-
Có thể nói, về phương diện kiến trúc, chùa Vạn Đức là một kiểu mẫu cho nghệ thuật tạo hình chùa Việt thời hiện đại.
-
2. Nằm trên đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM, Nam Thiên Nhất Trụ hay chùa Một Cột Thủ Đức cũng là ngôi chùa nổi tiếng với kiến trúc độc lạ.
-
Được hòa thượng Thích Trí Dũng cho dựng vào năm 1958, tâm điểm của Nam Thiên Nhất Trụ là ngôi chùa một cột nằm giữa lòng hồ Long Nhãn (Mắt Rồng) phía sau cổng tam quan với diện tích mặt nước khoảng hơn 600m2, phỏng theo kiến trúc chùa Một Cột ở Hà Nội.
-
Ngôi chùa một cột này được đặt trên cột cao khoảng 12 mét, đúc vĩnh cửu bằng xi măng cốt thép. Mái chùa lợp ngói uốn cong như chùa Một Cột Hà Nội, nhưng thấp và nhỏ hơn.
-
Phía sau chùa một cột là các công trình khác của Nam Thiên Nhất Trụ như chánh điện, nhà Tú Ân, giảng đường, nhà lưu niệm... Nhìn chung, các hạng mục của ngôi chùa mang nhiều ảnh hưởng từ kiến trúc chùa cổ ở miền Bắc.
-
Được xây dựng sau chùa Một Cột ở kinh thành Thăng Long gần 1.000 năm, chùa Một Cột Thủ Đức vừa là một công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo, cũng là lời nhắc nhở các thế hệ mai sau hướng về cội nguồn, tổ tiên.
-
3. Khi đi qua đường Lê Thị Hoa ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy sự xuất hiện của một "khu rừng" rậm rạp với nhiều cây cổ thụ cao vút. Đó chính là khu vườn của chùa Bửu Quang, ngôi chùa đầu tiên của hệ Phái Nam Tông Việt Nam.
-
Chùa được xây dựng vào năm 1938 do cụ Nguyễn Văn Hiểu chủ quản. Ban đầu chùa chỉ có chính điện được dựng tạm, đến năm 1940, cụ Hiểu bán nhà riêng để xây lại chùa và tăng xá. Những năm 1981, 1996, chùa được trùng tu lớn.
-
Không có những công trình kiến trúc gây ấn tượng mạnh như chùa Vạn Đức và Nam Thiên Nhất Trụ, nét nổi bật của chùa Bửu Quang là khu vườn rất rộng, được che phủ bằng những tán cây um tùm. Một số cây cổ thụ đã tồn tại từ khi chùa được hình thành đến nay.
-
Rải rác trong vườn chùa là các tiểu cảnh mang đậm nét Phật giáo Nam Tông, bài trí hài hòa với khung cảnh thiên nhiên. Cùng với đó là một số ngôi nhà nhỏ yên bình, là nơi sinh hoạt, tu tập của các tăng sĩ.
-
Với bề dày lịch sử cùng cảnh trí đẹp, chùa Bửu Quang ở Sài Gòn là địa điểm thu hút nhiều Phật tử và du khách thập phương đến chiêm bái, tham quan ở quận Thủ Đức.
-
Mời quý độc giả xem video: Săn hàng độc tại chợ “đồng nát” Sài Gòn. Nguồn: VTC1