Đái tháo đường là một bệnh phổ biến có tính chất xã hội, là một trong 3 bệnh phát triển nhanh (ung thư, tim mạch,đái tháo đường). Trong điều kiện kinh tế xã hội phát triển như hiện nay thì ngày càng có nhiều bệnh nhân đái tháo đường được phát hiện điều trị.
Tuy nhiên việc bệnh nhân đi khám tầm soát các biến chứng tại mắt do đái tháo đường vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức. Đái tháo đường có thể gây ra biến chứng ở nhiều cơ quan trên cơ thể như: tim, não, thận, mắt và hệ thống thần kinh...
Biến chứng ở mắt do đái tháo đường có thể kể đến như: đục thể thủy tinh, glocom, xuất huyết, bong võng mạc...tuy nhiên phổ biến nhất dẫn đến mù lòa là bệnh võng mạc đái tháo đường.
|
Nguy cơ mù lòa do biến chứng của bệnh đái tháo đường |
Bệnh võng mạc đái tháo đường được xếp vào nhóm các bệnh gây mù không hồi phục, có nghĩa là khi bệnh đã gây biến chứng và gây giảm thị lực thì điều trị có ý nghĩa bảo tồn và ngăn ngừa bệnh nặng hơn chứ không thể lấy lại được những gì đã mất.
Chính vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng ở võng mạc trên người mắc bệnh đái tháo đường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ và giữ gìn thị lực.
Để điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường, có nhiều kỹ thuật, trong đó có hai kỹ thuật cơ bản là Lase võng và tiêm thuốc Anti- VGEF chống tăng sinh tân mạch.
Tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn của bệnh, bệnh nhân có thể được điều trị biện pháp thích hợp hoặc phối hợp hai phương pháp để đạt được hiệu quả nhằm bảo vệ thị lực cho người bệnh.
Kết quả điều trị bảo tồn thị lực cho người bệnh phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh khi được phát hiện.
Vì vậy để tránh các biến chứng đáng tiếc có thể dẫn đến mù lòa, người bị đái tháo đường cần thường xuyên kiểm soát tốt đường máu và khám mắt định kỳ theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa Mắt để được phát hiện và điều trị sớm các biến chứng do đái tháo đường gây ra.
ThS.BS Lê Hồng Sơn (Bệnh viện Mắt Hải Phòng)