"Người đàn bà đẹp" NSND Thu Hà: Không áp lực là người nổi tiếng hay phải đẹp

(khoahocdoisong.vn) - “Hướng dương ngược nắng” đang đi đến những tập cuối cùng dần hé mở một kết thúc có hậu nhưng khó đoán trước. Nhân dịp này, KH&ĐS đã có cuộc trò chuyện với NSND Thu Hà – nhân vật chiếm nhiều cảm tình của khán giả qua vai diễn Bạch Cúc. Ngoài đời, không ai nghĩ chị đã qua tuổi 50 bởi vóc dáng và gương mặt hết sức trẻ trung, tươi vui...

 

Nhìn người già, sống với người trẻ

Chúc mừng chị đã thành công với “Hướng dương ngược nắng”! Giờ chị không chỉ “đo ni đóng giầy” với hình tượng “lá ngọc cành vàng” nữa rồi. Nhìn chị ngoài đời trẻ trung xinh đẹp hơn trong phim rất nhiều!

Hà vẫn là Hà thôi! Trong phim thường đóng vai “lá ngọc cành vàng” nhưng ngoài đời phong cách của mình cũng hơi khác, ai chưa biết sẽ có chút ngạc nhiên. Ngoài đời mình ăn mặc không quá cầu kỳ, thích kiểu trẻ trung. Nếu mà đúng tuổi thì phải đạo mạo, nhưng do cá tính và sở thích mình muốn tạo năng lượng tươi mới trẻ trung nên mọi người nhìn vào sẽ cảm thấy mình trẻ hơn trên phim.

Chị làm thế nào tạo được năng lượng tươi trẻ?

Đầu tiên là từ chính bản thân mình, rồi sau đó là môi trường nhà hát quanh mình rất nhiều bạn trẻ. Tiếp nữa là noi gương các thế hệ đi trước - những người già nhưng không bao giờ nghĩ là mình già. Nghề của mình cũng phải ý thức giữ gìn nên dù ở tuổi nào cũng phải tự tạo cho mình phong cách. Đấy là những động cơ để mình phấn đấu trẻ trung. Nhìn gương người già và sống với người trẻ, bạn sẽ trẻ. (Cười)

Chị có thường đi spa chăm sóc da không?

Rất ít. Mình là người rất lười chăm sóc da ở spa. Có cảm giác da mình không hợp spa lắm nên mình thường tự chăm sóc ở nhà. Mua các kem dưỡng, chịu khó matxa, diện chẩn... Sắc mặt hay vẻ đẹp của làn da mình nghĩ có lẽ đến từ sự ổn định ở bên trong, từ một sức khỏe tốt. Mình rất xuề xòa trong ăn uống và không chăm sóc da đặc biệt gì. Chỉ kiên trì tập khí công, đạp xe, đi bộ...

Đoàn làm phim Hướng dương ngược nắng.

Công việc bận rộn, liệu chị có tập luyện được thường xuyên?

Khá là thường xuyên. Mình làm mọi thứ rất tự nhiên, không phải quy định giờ giấc, theo liệu trình hay khóa học. Mình tự tìm một vài động tác khí công đơn giản, ưa thích để tập thường xuyên và bền bỉ. Đi xe đạp như một thú vui thôi, cứ rảnh là xách xe đạp hồ Gươm, hồ Tây, hoặc quanh phố cổ... Mình đến văn phòng rất ít khi dùng thang máy, thường đi thang bộ. Nói chung vận động bằng nhiều cách. Tất nhiên là Trời cũng phú cho cơ địa không bị béo quá nhưng mình cũng phải bền bỉ, chọn thứ mình yêu thích thì không bị chán.

Vậy chị dành sự bền bỉ của mình cho khí công và xe đạp?

Ngày trước mình đi bộ rất nhiều nhưng từ ngày tìm ra bài khí công Vạn bộ trường sinh, mình không phải đi đâu xa. Tập bất kỳ lúc nào, bất kỳ thời gian nào rảnh, không phải tốn nhiều thời gian mà cải thiện sức khỏe rõ rệt. Khí công liên quan đến nội lực, thanh lọc, thải độc cho cơ thể qua hít thở.

Mình đã theo học nhiều môn phái khí công rất hay, nhưng do bài tập khó và thời gian làm việc không phù hợp nên tự tìm bài tập đơn giản tập tại nhà. Giai đoạn trước có một đợt stress bị huyết áp nên tìm cách điều chỉnh và tìm ra bài Vạn bộ trường sinh. Trước khi tập mình đo rồi sau khi tập mình lại đo lại, thấy huyết áp đã xuống ngay. Mình xem hướng dẫn trên mạng thôi và tập theo đều đặn hơn 2 năm nay, cải thiện sức khỏe rất tốt. Còn xe đạp làm cho mình thư giãn. Ngày xưa mình cũng thích múa quạt, đánh kiếm, đánh côn, múa vòng. Đó chính là một cách học hình thể. Đấy là khí công nhưng cũng là nghệ thuật.

 

Đừng có áp lực là người nổi tiếng

Giữa kịch và điện ảnh chị thấy cái nào khó hơn?

Xuất phát điểm của mình là diễn viên sân khấu và giờ vẫn là diễn viên sân khấu. Điện ảnh chỉ là vô tình sang ngang. Cái khó của kịch là phải nói tròn vành rõ chữ khán giả mới nghe được. Còn điện ảnh thì rất đời, nhưng để đạt được cái đời đó, cũng phải cực kỳ tinh tế. Vì thế, khi sang điện ảnh, các diễn viên kịch phải khắc phục được sự “căng cứng” của sân khấu nói. Cũng may mình tham gia điện ảnh từ khi còn đi học nên cũng không gặp vấn đề gì.

Nghe nói chị ít tham gia điện ảnh vì “kén” vai diễn?

Nói kén thì cũng kén, nhưng dùng từ “đủng đỉnh” có lẽ đúng hơn. Cái gì thỏa mãn về nghề để phấn đấu thì đã qua rồi. Tuổi tác đã chững và mình biết mình đang ở vị trí nào trong đời người nghệ sĩ. Nếu xuất hiện mà vai nhàng nhàng thì chẳng để làm gì. Đã mất công làm thì làm cho tới, còn hay hay không thì chưa biết. Vì lúc đó còn sự hỗ trợ của bạn diễn, của đoàn làm phim... Ví dụ, vai Bạch Cúc trong “Hướng dương ngược nắng” chẳng hạn. Lúc đọc biết là vai rất hay nhưng thấy hoang mang, chênh vênh vì rõ ràng vai diễn đó không phải sở trường của mình. Nhưng mình quyết tâm và nghĩ mình nên thay đổi nên nhận vai. Bản thân đạo diễn, nhà sản xuất giao vai cho mình họ cũng lo chứ! Nhưng sau càng làm càng thấy hay, mình làm tốt thì biên kịch người ta cũng hào hứng bồi đắp thêm cho nhân vật của mình. Truyền hình thường phát triển thêm nhân vật, hoặc nhân vật nào hay thì làm cho đầy hơn.

 

Nhìn chồng kịch bản “Hướng dương ngược nắng” chị có “choáng” không?

Giờ không còn làm phim một tập như xưa. Kịch bản bao nhiêu tập thì ngay từ đầu đã phải đọc hết toàn bộ để biết nhân vật. Cả đoàn ai cũng phải đọc. Trong đoàn làm phim, bàn về kịch bản ai cũng thuộc hết, số phận nhân vật, từng giai đoạn để còn chuẩn bị trang phục, đạo cụ, bối cảnh. Cả chồng dày vậy thôi nhưng kịch bản hay thì đọc cũng nhanh vì tò mò muốn xem số phận nhân vật như thế nào... Đến đoàn phim mà thấy mọi người cứ lẩm bẩm một mình là chuyện bình thường. Tất cả đều phải nhẩm thuộc kịch bản. Bình thường đọc có khi không thuộc đâu nhưng đến khi diễn liên quan đến hành động, liên quan đến cảm xúc thì thuộc ra. Chứ bình thường ngồi đọc một chồng thế làm sao mà thuộc được.

 

Những cái tát nổ đom đóm khiến khán giả giật bắn mình trong “Hướng dương ngược nắng” đều của bà Bạch Cúc. Cảnh đó thật do cao trào cảm xúc hay chỉ là kỹ xảo điện ảnh?

Cái tát trong phim cũng có thể phối hợp được, góc máy che thừa sức, nhưng một cái tát thật thì cảm xúc đau, căm phẫn, uất hận thể hiện trên gương mặt diễn viên sẽ cao trào hơn. Mình cũng thương chứ, sợ bạn diễn đau, cũng thống nhất là tát giả, tát phối hợp thôi. Nhưng trợ lý, đạo diễn sợ không đủ cảm xúc, quay đi quay lại cũng khổ nên ra nháy mình là tát thật. Như cú vừa rồi là Hồng Đăng cũng nháy tát giả thôi, nhưng ai ngờ khi diễn mình tát thật. Cậu ấy cũng bất ngờ vì đau quá nhưng nhờ thế mà diễn cực hay, chảy cả nước mắt luôn, và làm mình diễn cũng cao trào, chảy nước mắt theo.

Nhìn gương mặt chị không thấy sự thấy sự khác biệt gì so với trước kia. Các nghệ sĩ thường hay thích thẩm mỹ, chị quan niệm gì về điều này?

Mình không bao giờ dám nhìn các hình ảnh phẫu thuật thẩm mỹ, sợ lắm. Nhưng mình ủng hộ việc làm đẹp của phụ nữ, chỉ có điều đừng lạm dụng nó quá. Phải rất thông cảm vì chị em đi làm đẹp là vì tâm lý. Cái tâm lý quan trọng lắm! Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, đẹp thật sự, nhưng đến giai đoạn có tuổi không thể tránh được suy sụp, bị ảnh hưởng tâm lý. Mình cũng cố gắng chuẩn bị tâm lý, xác định là tuổi nào cũng có cái đẹp của nó. Nếp nhăn cũng có cái duyên của nó. Không nên lạm dụng thẩm mỹ quá thành một người khác. Mình cứ xác định luôn, già chỉ mong khỏe mạnh, đạp xe đi chơi, ngồi uống trà với các bạn, sống thật thoải mái, đừng có áp lực là người nổi tiếng hay phải đẹp. Đến tuổi già không còn như mọi người hình dung thì cũng là chuyện đương nhiên thôi. Chẳng áp lực làm gì!

Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!

 

Tuyết Vân (thực hiện)