Người bệnh dạ dày, thận, huyết áp không nên ăn dưa muối

Người bệnh dạ dày, bệnh thận, tăng huyết áp, phụ nữ mang thai... không nên ăn dưa do quá trình lên men chứa nhiều axit và lượng muối trong đó cao.
dua-muoi1.jpg

Đây là chia sẻ của BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khi dịp Tết đến gần, gia đình nào cũng có món dưa trên mâm cơm để kích thích tiêu hóa, chống ngán.

Dưa hành và dưa cải muối là món ăn không thể thiếu với nhiều gia đình người Việt dịp Tết. Các món này thường được ăn kèm với bánh chưng, thịt... bởi vị chua, cay nhẹ của dưa hành giúp người ăn đỡ ngán.

Tuy nhiên, trong dưa hành và dưa cải muối chứa nhiều men probiotics và các vi khuẩn có lợi, có tác dụng kích thích tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch. Bởi vậy, thực phẩm này rất tốt đối với những người bị hội chứng ruột kích thích, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, táo bón...

dua-muoi2.jpg

Ngoài ra, dưa hành, dưa cải muối cung cấp chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất như: vitamin A, C, E, betacroten, selen, kẽm... có lợi sức khỏe, enzym trong dưa hành làm giảm cảm giác khó chịu khi ăn các món chiên rán, nhiều dầu mỡ nhưng khi ăn nhiều dưa lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe.

Đối với người mắc dạ dày, khi ăn nhiều hành muối, dạ dày sẽ tăng tiết dịch vị, axit ảnh hưởng đến niêm mạc bên trong, đồng thời khiến các vết viêm, loét trở nên nghiêm trọng hơn.

Người mắc bệnh thận, tăng huyết áp, do lượng muối trong dưa lớn nên không tốt cho cả hai bệnh này. Nếu ăn quá nhiều dưa muối có nghĩa cơ thể nạp đã một lượng lớn natri, làm tăng nguy cơ bệnh huyết áp, thận. Bệnh nhân đã bị suy thận khả năng đào thải natri kém, nên ăn dưa muối làm ứ đọng muối trong cơ thể, có thể gây phù, tăng huyết áp.

Còn với người mang thai, khi mang thai, hệ tiêu hóa của mẹ trở nên nhạy cảm, nhất là khi nghén, ăn dưa chua có thể làm kích thích, tăng cảm giác đầy bụng, buồn nôn. Đặc biệt là những tháng cuối của thai kỳ nên cần phải ăn nhạt để tránh phù, nhiễm độc thai nghén.

Khánh Thủy