Chiều ngày 9/12, thông tin danh hài Chí Tài qua đời đột ngột đang khiến nghệ sĩ, bạn bè không khỏi bàng hoàng. Được biết, nguyên nhân nam danh hài qua đời do đột quỵ sau khi tập thể dục. Nghệ sĩ Chí Tài hưởng thọ 62 tuổi.
Nghệ sĩ Chí Tài sinh năm 1958, tên thật là Nguyễn Chí Tài. Lúc sinh thời, Nghệ sĩ Chí Tài nổi bật nhất với vai trò diễn viên hài, anh được rất nhiều đồng nghiệp và ngươi hâm mộ yêu mến. Sự ra đi của Chí Tài khiến nhiều người xót xa.
|
Danh hài Chí Tài qua đời do đột quỵ đang khiến nghệ sĩ, bạn bè không khỏi bàng hoàng. |
Thời gian qua, Chí Tài bị bệnh tiểu đường. Dù vậy, anh vẫn khỏe mạnh, chăm chỉ tập thể dục. Được biết mới đây Chí Tài còn tham gia thử thách đứng một chân để kiểm tra sức khỏe và nguy cơ đột quỵ. Chia sẻ về lý do thử thách chính mình, danh hài Chí Tài chia sẻ: “Bác sĩ nói: nếu đứng 1 chân mà không quá 20 giây thì tiềm ẩn nguy cơ cao bị đột quỵ. Mình không bị đột quỵ. Mình phải khỏe, phải hơn Đại Nghĩa!”
Thử thách kiểm tra nguy cơ đột quỵ chỉ yêu cầu người chơi tranh thủ khoảng một phút nơi công sở, đứng một chân, nhắm mắt như động tác yoga. Tuy nhiên, với danh hài Chí Tài, thời gian đáp ứng thử thách chỉ có 4-7 giây. Thử thách đã khiến Chí Tài - người trước nay chưa hề suy nghĩ về nguy cơ đột quỵ phải giật mình lo ngại về căn bệnh “đến bất ngờ và đi đột ngột” này. Không ngờ hệ quả của việc anh không thể vượt qua thử thách này lại đến đột ngột như vậy...
Đột quỵ nguy hiểm thế nào?
Đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi sự mất cấp tính các chức năng của não (thường là khu trú), tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trong vòng 24 giờ. Những triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương phân bố, không do nguyên nhân chấn thương. Do đó người ta còn gọi bệnh với cái tên “tai biến mạch máu não”.
Từ thời điểm bệnh nhân bị tai biến, nếu chỉ thiếu oxy trong vòng 4 - 5 phút là tổn thương không hồi phục. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng tư duy và hoạt động của cơ thể trong tương lai, trường hợp xấu nhất không cứu chữa kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong.
Hầu như những người được chữa khỏi đều có những di chứng như tê liệt, rối loạn cảm xúc, mất ngôn ngữ, suy giảm chức năng thị giác,...
PGS.TS Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sớm tính từ lúc khởi phát triệu chứng chỉ chiếm khoảng 5%.
“Khi một bệnh nhân bị đột quỵ, người dân thường không có thói quen đưa đi cấp cứu. Ban đầu, thấy các triệu chứng nhẹ nên họ chủ quan, thường để bệnh nhân ở nhà hoặc dùng các bài thuốc truyền miệng, vì vậy, nên đã bỏ qua cơ hội vàng để điều trị tối ưu. Đến khi người bệnh có dấu hiệu nặng họ mới đưa đến viện thì đã qua giai đoạn "cửa sổ vàng" để điều trị tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ. Những bệnh nhân đến muộn thì trong tình trạng rất nặng”, ông Mai Duy Tôn cho biết.
|
Người cao tuổi có tỷ lệ mắc đột quỵ cao hơn so với người trẻ tuổi. Ảnh: Internet. |
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu như: Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột đau đầu dữ dội; Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn… Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".
PGS.TS Mai Duy Tôn khuyến cáo, khi một người có các biểu hiện méo miệng (biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng); yếu liệt tay chân (có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay, hai chân lên cao), ngôn ngữ bất thường (đề nghị bệnh nhân lặp lại cụm từ đơn giản xem họ có hiểu và lặp lại được không) cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân đột quỵ cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân được đến phòng cấp cứu trong 3 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng và được chẩn đoán là đột quỵ do thiếu máu, thuốc tiêu sợi huyết (tan huyết khối) sử dụng đường tĩnh mạch sẽ được chỉ định khẩn cấp nhằm làm tan cục máu đông và giải phóng mạch máu bị tổn thương. Vì vậy, ghi nhớ thời điểm xuất hiện triệu chứng đột quỵ đầu tiên là quan trọng, giúp bác sĩ cấp cứu quyết định liệu pháp điều trị thích hợp.