Ngày 6/4, bà N.T.P. (53 tuổi, trú ở huyện Quảng Điền, TP Huế) tham gia một giải chạy marathon tại TP Huế, tuy nhiên khi đang chạy thì người phụ nữ này ngã quỵ. Mặc dù được những runner khác hô hấp nhân tạo và các bác sĩ tham gia công tác y tế của giải chạy hỗ trợ y tế nhưng bà P. có dấu hiệu ngưng tim.
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng ngừng tuần hoàn và hô hấp trước đó 45 phút. Sau khi dùng thuốc bệnh nhân có nhịp tim trở lại nhưng vẫn hôn mê sâu. Sau đó, gia đình xin đưa về nhà và bệnh nhân đã tử vong.
Trước đó, tháng 4/2024, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng tiếp nhận nam thanh niên 34 tuổi bị ngưng tim ngay gần về đích, khi tham gia giải chạy marathon tại Hà Nội. Dù được các bác sĩ nỗ lực điều trị hồi sức nhưng bệnh nhân đã tử vong.
 |
Giải Marathon ở Huế. |
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng (Hà Nội), tình trạng đột ngột ngừng tim khi chạy marathon không phải là hiếm gặp. Tại Việt Nam chưa có số liệu về các ca ngưng tim đột tử khi chạy, nhưng tại một số nước có thống kê với tỷ lệ khoảng 0,5/100.000 người.
Có 4 nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột khi chơi thể thao gồm:
Người bị thiểu năng động mạch vành, gây thiếu máu nuôi cơ tim, dẫn đến rối loạn nhịp rồi ngừng tim, hoặc thiểu năng vành dẫn đến nhồi máu cơ tim. Căn nguyên sâu xa là do xơ vữa mạch vành, mọi người có thể tầm soát bằng cách chụp động mạch vành.
Rối loạn nhịp tim, có thể là bẩm sinh (hội chứng Brugada, hội chứng WPW, hội chứng khoảng QT kéo dài...) hoặc mắc phải, như rung thất, nhịp nhanh thất, block nhĩ - thất... nguyên nhân có thể do bệnh van tim, do dùng thuốc hoặc rối loạn điện giải.
Những người bị bệnh cơ tim thể giãn, cơ tim phì đại, cơ tim do nghiện rượu... cũng có nguy cơ đột ngột ngừng tim.
Suy tim mạn tính cũng có thể dẫn tới ngừng tim khi chạy.
Ngoài ra, có thể có một số nguyên nhân khác ngoài tim như chấn thương ngực, thuyên tắc phổi, sử dụng một số chất kích thích...
Trường hợp bà P, bác sĩ Hoàng nghi ngờ khả năng cao là bệnh nhân có tiền sử rối loạn nhịp tim kín đáo từ trước nhưng không phát hiện ra. Trường hợp khác có thể do rối loạn nước điện giải dẫn tới sốc nhiệt hay say nắng, suy thận cấp nhiều hơn là ngừng tim đột ngột.
Để ngừa các biến cố, rủi ro sức khỏe khi tham gia thể thao, bác sĩ Hoàng khuyến cáo, bất cứ vận động viên nào, dù chuyên nghiệp hay các giải cộng đồng, cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi tham gia thể thao dù chuyên nghiệp hay phong trào vẫn cần khám sức khỏe, bao gồm sức khỏe tim mạch.
Đặc biệt, người có người thân trong gia đình từng bị đột tử thì nên đi khám chuyên khoa sâu về tim mạch. Việc sàng lọc sức khỏe toàn diện ngăn ngừa đột tử.
Để chạy bộ hoặc tham gia các giải chạy phong trào an toàn, mọi người nên chọn cự ly chạy ngắn, phù hợp với cơ thể và quá trình tập luyện trước đó. Tốt nhất, nên kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia các giải chạy.
Ngoài ra, cần khởi động kỹ lưỡng trước khi chạy, dừng lại ngay lập tức khi thấy cơ thể không khỏe và tuyệt đối không chạy vào ban đêm. Chỉ chạy khi trời sáng, có ánh nắng mặt trời. Đảm bảo cơ thể luôn được bù nước. Khi cơ thể đổ mồ hôi nhiều, hãy đảm bảo cơ thể được bổ sung muối (natri) ngoài nước lọc.
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cho rằng, việc chạy bộ là cách rèn luyện sức khỏe rất tốt, tuy nhiên quãng đường chạy cần phù hợp với từng đối tượng. Các giải chạy có nhiều cự ly khác nhau, nhưng đa số là chạy ở cự ly khá dài, trong khi người tham gia đều không phải vận động viên chuyên nghiệp, vì thế gặp vấn đề sức khỏe là chuyện khó tránh khỏi.
"Với những người không chuyên chỉ nên chạy ở cự ly ngắn, nâng dần cự ly sau một thời gian tập luyện, như vậy cơ thể mới thích nghi và đáp ứng được dần dần, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc tham gia chinh phục ở một cự ly dài mà chưa có sự luyện tập trường kỳ trước đó sẽ khiến cho cơ thể không thể thích nghi với cường độ vận động cao. Điều này có thể dẫn tới những nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe”, bác sĩ Mạnh cảnh báo.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác rất phản khoa học được bác sĩ Mạnh đưa ra đó là tổ chức các giải chạy vào rạng sáng, đây là thời điểm không phù hợp với việc tập luyện bất cứ môn thể thao nào.
“Có thể ban tổ chức tận dụng thời gian này để đường chạy vắng phương tiện giao thông, tuy nhiên chạy vào lúc rạng sáng sẽ rất nguy hiểm vì theo sinh lý đây là thời gian ngủ, máu cô đặc, nhịp tim chậm. Ngoài ra, thời điểm này nhiệt độ xuống thấp nên vận động thể lực với cường độ cao như chạy sẽ gây ra tình trạng quá sức, dẫn tới đột tử”, bác sĩ Mạnh khuyến cáo.