Dùng thuốc đều mà biến chứng vẫn nặng nề
Khoa Nội tiết- Đái tháo đường Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận và điều trị cho người bệnh H.T.N ( 52 tuổi, Tân Sơn, Phú Thọ).
Người bệnh có tiền sử mắc Basedow thể lồi mắt khoảng gần 1 năm nay, khám và quản lý tại bệnh viện huyện Tân Sơn, duy trì thuốc kháng giáp đều đặn. Cách ngày nhập viện 1 tuần, người bệnh bị sưng đau chảy nước mắt, mắt lồi nhiều, nhìn mờ, nhập viện bệnh viện huyện được 1 ngày, rồi chuyển viện tỉnh điều trị.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng hai mắt có dấu hiệu sưng nề, đau nhức mắt, xung huyết kết mạc, mi mắt nhắm không kín, tăng nhãn áp, đo thị lực, thị trường hai mắt giảm nhiều, đe dọa mất thị lực vĩnh viễn. Người bệnh đã được khám hội chẩn cùng bác sĩ chuyên khoa mắt được chỉ định đo thị lực, soi đáy mắt, chụp OCT, chụp cắt lớp vi tính hốc mắt cùng chỉ định xét nghiệm máu đánh giá chức năng giáp.
Qua thăm khám lâm sàng, tổng hợp các kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán: Bệnh nhãn giáp đang hoạt động mức độ đe dọa thị lực và được điều trị bằng Glucocorticoid liều cao theo phác đồ của hiệp hội châu Âu về bệnh nhãn giáp.
Sau 02 tuần điều trị tại khoa Nội tiết- Đái tháo đường, tình trạng người bệnh tiến triển tốt, hai mắt đỡ sưng nề, không nhức mắt, lồi mắt giảm, thị lực được cải thiện đáng kể tuy nhiên vẫn còn tình trạng tăng nhãn áp. Người bệnh đủ điều kiện ra viện, tiếp tục dùng thuốc theo đơn và tái khám hàng tháng theo hẹn.
|
Mất thị lực vĩnh viễn vì Basedow biến chứng mắt? |
Basedow biến chứng mắt: căn bệnh nguy hiểm nếu không được chữa trị
Các bác sĩ khoa Nội tiết – đái tháo đường, bệnh viện Đa Khoa phú Thọ cho biết, triệu chứng ở mắt có thể được phát hiện ngay cả khi người bệnh chưa được chẩn đoán mắc bệnh Basedow. Bệnh gây ra do sự thâm nhiễm của tế bào Lympho và các kháng thể kháng giáp gây độc nhạy cảm với kháng nguyên TSH-R ở nguyên bào sợi có vai trò hình thành tổ chức mỡ quanh hốc mắt.
Các cytokin từ tế bào lympho gây viêm các nguyên bào sợi này, dẫn đến phì đại tế bào, phù nề các mô ở hốc mắt và sau nhãn cầu, đẩy lồi mắt ra phía trước. Trong trường hợp nặng có thể gây mù và sung huyết kết mạc mắt.
– Dấu hiệu stellwag: Mi mắt nhắm không kín
– Dấu hiệu Von graefe: Mất phối hợp đồng bộ giữa động tác của nhãn cầu và mi trên (co cơ mi trên khi mắt nhìn đưa xuống)
– Dấu hiệu Dalrymple: Co cơ mi trên gây hở khe mi
– Dấu hiệu Moebius: Nhìn đôi do liệt cơ vận nhãn
Ngoài ra người bệnh còn có thể có một số biểu hiện khác ở mắt như đau mắt, cảm giác nóng rát, chói mắt, ít chớp mắt, mi mắt nhắm không kín khi ngủ, sung huyết kết mạc, khô mắt hoặc thậm chí loét giác mạc, tổn thương thần kinh thị giác gây mất thị lực vĩnh viễn. Những tổn thương này thường xuất hiện ở cả hai mắt nhưng có thể gặp ở 1 bên (gặp khoảng 10-15% các trường hợp). Bệnh thường nặng lên khi tình trạng cường giáp Basdow không được kiểm soát, nhưng cũng có trường hợp vẫn tiếp tục tiến triển nặng lên ngay cả khi bệnh nhân đã đạt được cường giáp.
Vì vậy, các bác sĩ khuyên, người bệnh gặp phải những dấu hiệu bệnh trên nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị kịp thời.