Kinh ngạc tinh vân Orion siêu thực qua Kính Hubble

Một trong những vùng đẹp ngoạn mục nhất của bầu trời đêm có thể được tìm thấy trong chòm sao Orion.
Kinh ngac tinh van Orion sieu thuc qua Kinh Hubble
Hình ảnh mới của Tinh vân Orion (ESA / Hubble & NASA, J. Bally, M. H. Özsaraç) 

Giữa các ngôi sao Alnitak, Saif và Rigel, lơ lửng một đám mây bụi và khí dày đặc giữa các vì sao. Đó chính là Tinh vân Orion, một tổ vật chất trong đó các ngôi sao con đang được “sinh ra” và là một trong những vật thể được nghiên cứu và chụp ảnh nhiều nhất trong Dải Ngân hà.

Trải dài 24 năm ánh sáng, Tinh vân Orion (còn được gọi là Messier 42 (M42)) gần và lớn đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Do ở vị trí tương đối gần (cách Mặt trời khoảng 1.344 năm ánh sáng), đám mây ngoạn mục này là một khu vực quan trọng để tìm hiểu sự hình thành sao.

Kinh ngac tinh van Orion sieu thuc qua Kinh Hubble-Hinh-2
Hình ảnh mới Tinh vân Orion và HH 505. (ESA / Hubble & NASA, J. Bally, M. H. Özsaraç) 

Được biết, Orion là một vườn ươm khổng lồ của các ngôi sao, tại đó những đám mây lớn giữa các vì sao dưới tác dụng của lực hấp dẫn riêng của chúng bị co lại ở một số nơi để tạo thành những ngôi sao mới.

Bản phát hành hình ảnh Tinh vân Orion qua con mắt Kính viễn vọng Hubble trông giống như những đám mây nhuốm đầy màu sắc, yên bình trên nền không gian tối mượt như nhung. Tuy nhiên, ở giữa là một tương tác vũ trụ tuyệt vời hiếm có, được kích hoạt bởi ngôi sao con IX Ori.

Tương tác đó, được gọi là HH 505 hay vật thể Herbig-Haro, được hình thành đòi hỏi một tập hợp các điều kiện rất cụ thể.

Đầu tiên, một ngôi sao con “mới sinh” hình thành khi một cụm dày đặc trong đám mây phân tử, chẳng hạn như vườn ươm sao Orion, tan rã, xoay tròn dưới khối lượng của chính nó. Khi xoay, nó cuốn theo vật chất từ đám mây xung quanh nó, cho phép ngôi sao con phát triển.

Khi vật chất này tích tụ vào ngôi sao con, các tia plasma mạnh có thể được phóng ra từ các cực của ngôi sao.

Người ta cho rằng một số vật chất quay xung quanh ngôi sao bị chuyển hướng dọc theo đường sức từ bên ngoài của ngôi sao đến các cực. Các đường sức từ này hoạt động như một máy gia tốc hạt để khi vật chất đến các cực, nó được phóng đi với tốc độ đáng kinh ngạc.

Kinh ngac tinh van Orion sieu thuc qua Kinh Hubble-Hinh-3
 Vòng tròn màu vàng thể hiện vị trí của HH 505 trong Tinh vân Orion. (NASA, ESA, M. Robberto / STScI)

Một vật thể Herbig-Haro hình thành khi những tia này di chuyển với tốc độ cực cao, va đập mạnh vào chất khí xung quanh, làm nóng nó để phát sáng rực rỡ. Điều này tạo ra hai thanh ánh sáng phát ra từ ngôi sao con.

Những cấu trúc này thay đổi nhanh chóng, vì vậy các nhà thiên văn học có thể nghiên cứu chúng để hiểu cách các ngôi sao con thổi bay vật chất khỏi đám mây xung quanh chúng.

Trâm Anh (Theo Sciencealert)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN