Khâu treo tử cung, chấm dứt phiền toái do sa sinh dục gần 20 năm

Việc cắt tử cung không thể chữa dứt điểm sa tử cung, đặt mảnh ghép cố định sàn chậu vừa giải quyết tình trạng sa sinh dục một cách hiệu quả mà không phải cắt bỏ các cơ quan.

Đau đớn khổ sở gần 20 năm vì bệnh khó nói

Ngày 8/4, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật khâu treo tử cung, bảo tồn các cơ quan và chấm dứt phiền toái cho cụ bà 78 tuổi gần 20 năm khổ sở với khối sa sinh dục.

Bà L.T.Q (78 tuổi, Quảng Bình) cho biết, bà bị sa tử cung gần 20 năm nay, càng ngày khối sa càng nhiều, gây chảy máu âm đạo, đau đớn, khiến bà khó tiểu, đi lại khó khăn do vướng khối sa. Bà đã từng thăm khám ở nhiều bệnh viện tại địa phương và có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ nhưng cuối cùng bà đã lựa chọn đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á để điều trị.

Khi tới khám tại Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Xuyên Á, các bác sĩ đã thăm khám âm đạo, kiểm tra mức độ sa âm đạo và chỉ định người bệnh chụp MRI động học sàn chậu. Kết quả ghi nhận bệnh nhân bị sa tạng chậu độ 4, khối sa tử cung ra ngoài âm hộ với độ dài gần 5cm.

Khâu treo tử cung, chấm dứt phiền toái do sa sinh dục gần 20 năm - Ảnh BVCC

Trước tình trạng này, các bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu đã tư vấn người bệnh thực hiện phẫu thuật nội soi ổ bụng, cố định sàn chậu vào mỏm nhô xương cùng. Đây là phương pháp phẫu thuật tốt nhất hiện nay giúp kéo sàn chậu bệnh nhân cố định vào mỏm nhô xương cùng bằng mảnh ghép nhân tạo, phẫu thuật không những giúp tử cung mà còn giúp các tạng khác có sa đồng thời như bàng quang, trực tràng trở về vị trí bình thường.

Chia sẻ về ca bệnh này, ThS.BS.CKII. Nguyễn Vĩnh Bình, Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết: “Trường hợp bệnh nhân Q. có khối sa tử cung ở mức độ nặng có ảnh hưởng nhiều đến khả năng đi tiểu và bệnh nhân lớn tuổi, đây là trở ngại lớn nhất của ca phẫu thuật.

Tuy nhiên, với việc áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi đặt mảnh ghép cố định sàn chậu vào mỏm nhô xương cùng, ê-kíp đã đặt tấm lưới sinh học treo sàn chậu vào mỏm nhô xương cùng vừa giúp tử cung và bàng quang, trực tràng có sa kèm theo được đưa về vị trí bình thường và bảo tồn các cơ quan, từ đó giải quyết tình trạng sa sinh dục một cách hiệu quả mà không phải cắt bỏ.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Đồng thời, phẫu thuật thực hiện qua nội soi giúp bệnh nhân giảm chảy máu, đường mổ nhỏ, quá trình hậu phẫu diễn ra nhẹ nhàng, người bệnh sớm hồi phục sức khỏe. Việc cắt tử cung không thể chữa dứt điểm sa tử cung mà bệnh nhân vẫn có thể sa mỏm cắt vì cơ chế là do sàn chậu suy yếu, cắt tử cung đơn thuần không treo được sàn chậu về vị trí bình thường do đó không thể chữa dứt điểm được”.

Hai ngày sau mổ, người bệnh phục hồi tốt, có thể đi lại, sinh hoạt thuận tiện. Bà Q. cảm thấy hài lòng với kết quả cuộc mổ, từ nay bà có thể vui vẻ tận hưởng cuộc sống mà không còn vướng mắc khối sa sinh dục ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.

Bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật - Ảnh BVCCC

Bệnh luôn là nỗi ám ảnh của phụ nữ

BSCKII Thân Ngọc Bích, Trưởng Khoa Phụ Bệnh viện sản Nhi Bắc Giang cho biết, sa sinh dục là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, nhất là những phụ nữ từng sinh đẻ nhiều lần, đẻ không an toàn hoặc những phụ nữ lớn tuổi đã mãn kinh (ngoài 50 tuổi).

Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng căn bệnh này luôn là nỗi ám ảnh của phụ nữ, khiến họ cảm thấy tự ti, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị kịp thời thì có thể gây nên nhiều biến chứng như rối loạn đại - tiểu tiện, viêm loét khối sa, nhiễm trùng đường tiểu…

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Trước đây, với những bệnh nhân bị sa sinh dục mức độ nặng thì bác sĩ thường phẫu thuật theo phương pháp Crossen truyền thống, cắt tử cung hoàn toàn qua đường âm đạo, làm lại thành trước âm đạo, thành sau âm đạo và treo lại bàng quang để giải quyết triệt để tình trạng sa sinh dục.

Với những bệnh nhân sa sinh dục mức độ nhẹ, chỉ bị sa thành trước âm đạo không thể xử trí ngay bằng phương pháp Crossen, nếu cố thực hiện Crossen nguy cơ chảy máu cao sẽ khiến bệnh nhân gặp nhiều nguy hiểm.

Do vậy, bệnh nhân sẽ phải đợi khi nào bị sa mức độ nặng hơn, sa sinh dục hoàn toàn mới có thể phẫu thuật, điều này sẽ khiến bệnh nhân gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt, lao động và ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống, nhất là với những người cao tuổi.

Phương pháp điều trị sa sinh dục bằng phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới treo tử cung lên thành bụng giúp phụ nữ ở mọi lứa tuổi không còn mặc cảm tự ti khi mắc căn bệnh “thầm kín” này vì sẽ được điều trị dứt điểm từ giai đoạn sớm.

Hơn nữa, phẫu thuật nội soi cũng giúp bệnh nhân giảm chấn thương, giảm chảy máu, quá trình hậu phẫu sẽ diễn ra nhẹ nhàng, người bệnh cũng phục hồi sức khỏe nhanh hơn sau phẫu thuật.

Đặc biệt, những phụ nữ trẻ tuổi, chưa mãn kinh bị sa sinh dục khi thực hiện bằng phương pháp nội soi này thì tử cung được bảo tồn sẽ giúp họ không thay đổi về mặt tâm, sinh lý”.

Thúy Nga