Khám phá sự nghiệp lẫy lừng của ông tổ dựng nước Văn Lang

Người có công thống nhất các bộ lạc, có công lập nước Văn Lang, chính là thủ lĩnh của bộ lạc Văn Lang hùng mạnh – tức Hùng Vương thứ nhất của triều Hùng.
Quá trình hình thành quốc gia Văn Lang là rất lâu dài. Từ những cơ sở ban đầu là các bộ lạc người Việt, xuất hiện cách ngày nay khoảng hơn 3.000 năm, theo truyền thuyết và sử cũ thì có 15 bộ lạc, trải qua một thời gian hoạt động riêng lẻ, các bộ lạc này đã biết liên kết tạo thành liên minh bộ lạc để giúp đỡ lẫn nhau trong việc chinh phục tự nhiên, chống nạn xâm lấn từ bên ngoài…
Dần dà về sau, cùng với sự phát triển của nền văn hoá Đông Sơn với những thành tựu rực rỡ thì mức độ phân hoá giàu nghèo trong xã hội đã thể hiện rất sâu sắc. Điều này đang đòi hỏi xã hội lúc ấy phải có một tổ chức quản lí thống nhất và chặt chẽ hơn.
Trong bối cảnh như vậy, để khiến các bộ lạc có thể tự nguyện quy phục và sáp nhập lãnh thổ cho sự ra đời của nhà nước thì vai trò và vị trí của người đứng đầu làm trung tâm cho sự chuyển hoá ấy là rất quan trọng.
Lúc ấy, trong số 15 bộ lạc thì Văn Lang là bộ lạc mạnh hơn cả, có lãnh thổ rộng (tương ứng với khu vực từ chân núi Ba Vì, Hà Nội đến chân núi Tam Đảo, Vĩnh Phúc ngày nay), có trình độ phát triển kinh tế cao…; và đặc biệt hơn, Văn Lang có người thủ lĩnh rất tài giỏi, có uy tín lớn với các bộ lạc khác.
Người thủ lĩnh này đã đóng vai trò trung tâm tập hợp những bộ lạc khác, và trở thành người cầm đầu cả 15 bộ lạc. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta chưa đủ cơ sở tư liệu để biết về tên tuổi, năm sinh năm mất cùng hành trạng cụ thể trong cuộc đời của vị thủ lĩnh này. Sau khi hợp nhất các bộ lạc, người thủ lĩnh này xưng vua, tức là Hùng Vương thứ nhất và đặt quốc hiệu là Văn Lang. Hai chữ Văn Lang có nghĩa là cộng đồng người (Văn) quy tụ, sinh sống bên lưu vực các con sông (Lang).
Kham pha su nghiep lay lung cua ong to dung nuoc Van Lang
“Quốc tổ Hùng Vương”. Tranh vẽ, trưng bày tại Hội trường Thống Nhất (TP. HCM) 
Về sự ra đời của nước Văn Lang, Đại Việt sử lược – bộ sử khuyết danh thời Trần (thế kỷ XIV) – xác nhận rằng: “Đến đời Trang Vương nhà Chu (696 – 682 TCN), ở bộ Gia Ninh (đúng ra là Văn Lang – người viết) có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”.
Quốc gia Văn Lang tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỷ VII đến năm 208 TCN với 18 đời trị vì (theo sử cũ và truyền thuyết). Quốc gia này ở thời kỳ hùng mạnh đã kiên quyết chống lại áp lực buộc Hùng Vương phải thần phục đến từ Việt Vương Câu Tiễn (496 – 465 TCN), một trong Ngũ bá cuối thời Xuân Thu bên Trung Hoa.
Công lao của người dựng nước Văn Lang còn thể hiện trong sự nghiệp trị nước. Hùng Vương thứ nhất đã chia cả nước thành 15 bộ (chính là 15 bộ lạc khi trước), giao cho người đứng đầu mỗi bộ chức Lạc tướng (hay còn gọi là Phụ đạo) để cai quản. Dưới cấp bộ, Hùng Vương thứ nhất cho đặt các chức Bồ chính để quản lý mọi mặt của chiềng, chạ (đơn vị hành chính cơ sở). Còn ở trung ương, ông đặt các chức Lạc hầu để giúp vua trong việc trị nước.
Nhìn chung, Hùng Vương thứ nhất đã tổ chức được một bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh, với ba cấp chính quyền là trung ương - bộ - chiềng, chạ. Cơ cấu hành chính này còn được duy trì ở thời An Dương Vương sau đó.
Để thuận tiện cho việc quản lý quốc gia, Hùng Vương thứ nhất đã đóng đô ở vùng Phong Châu (nay thuộc Phú Thọ) là trung tâm của đất nước khi ấy.
Cùng với việc lập nước Văn Lang, Hùng Vương thứ nhất còn là người đặt nền tảng cho sự gắn kết ý thức thức dân tộc và tinh thần đoàn kết của tất cả các cộng đồng người sinh sống trên đất Việt. Đoàn kết để chinh phục thiên nhiên, để bảo vệ đất đai, để có cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà các truyền thuyết như Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh – Thủy Tinh, truyện Rùa Vàng lại được đặt vào thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc là hai thời kỳ mở đầu công cuộc lập quốc và vệ quốc của dân tộc.
Từ hình ảnh người anh hùng nhỏ tuổi làng Gióng vung gươm sắt phá tan đạo quân xâm lược hung bạo của nhà Ân, giữ vẹn toàn bờ cõi giang sơn, đến lòng dũng cảm của thần núi Tản Viên (tức Sơn Tinh), quyết đương đầu với phong ba bão táp của Thủy Tinh, cứu nguy cho trăm họ khỏi cơn bão lũ; rồi thần Kim Quy (Rùa Vàng) xuất hiện như vị cứu tinh của Âu Lạc, giúp An Dương Vương hoàn thành đại nghiệp với sự vững chai của Cổ Loa thành…
Tất cả đều nhấn mạnh đến tầm vóc to lớn của kết quả đạt được khi mọi người chung lưng góp sức hướng đến một mục đích cao cả ở phía trước. Nếu không có nước Văn Lang thì việc gắn kết rộng rãi ý thức dân tộc và tinh thần đoàn kết toàn dân sẽ phải mất khá nhiều thời gian nữa. Cho nên, chúng ta có thể nói rằng, chính Hùng Vương thứ nhất đã góp phần tạo nên bản lĩnh phi thường của dân tộc Việt.
Kham pha su nghiep lay lung cua ong to dung nuoc Van Lang-Hinh-2
Cuộc sống của người Việt thời Văn Lang. Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Tạ Huy Long 
Thực tế của việc dựng nước Văn Lang và sự tồn tại lâu dài của nhà nước này đã khiến nền văn minh dựng nước được khai sinh và phát triển với nhiều thành tựu đặc sắc. Chính từ nền văn minh này mà truyền thống ý thức dân tộc Việt Nam được gìn giữ và lưu truyền trong suốt thời gian Bắc thuộc hơn 1.000 năm rồi kết tinh lại ở đại chiến công Bạch Đằng giang năm 938, xua tan đám mây mù vần vũ trên bầu trời nước Việt, mở ra kỉ nguyên độc lập tự chủ hoàn toàn cho non sông.
Thành công ấy khởi nguồn từ đâu? Xin trả lời rằng: nó xuất phát từ truyền thống đoàn kết dân tộc, mà người làm phong phú thêm truyền thống ấy, chính là quân trưởng của nước Văn Lang – vị Hùng Vương đầu tiên.
Non nước Việt Nam có được như ngày nay là nhờ tổ tiên ta đã dày công xây đắp. Bổn phận của chúng ta là phải giữ gìn, bảo vệ nó theo như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại:
Các vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

Mời quý độc giả xem video: Giỗ tổ Hùng Vương - bản sắc văn hóa của người Việt. Nguồn: VTV24


Nguyễn Thanh Tuyền

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN