-
Nằm ở mũi Gành Dầu của đảo Phú Quốc, đình thần Nguyễn Trung Trực là một di tích lịch sử quan trọng gắn với sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
-
Ngôi đền được xây tại nơi ông bị bắt trong cuộc chiến cuối cùng. Theo giai thoại, khi bị quân Pháp bao vây ở khu vực Gành Dầu năm 1868, để bảo toàn lực lượng nghĩa quân và lòng hiếu với mẹ (Pháp đã bắt mẹ của ông để uy hiếp), Nguyễn Trung Trực tự ra nộp và đã bị đưa về giam ở Sài Gòn.
-
Để tỏ lòng kính ngưỡng Nguyễn Trung Trực, nhân dân Phú Quốc đã lập đền thờ ông. Do được thường xuyên chăm sóc và nâng cấp, sửa chữa, đình thần Nguyễn Trung Trực tại Gành Dầu tuy giản dị nhưng vẫn rất khang trang với nét kiến trúc truyền thống của đình, đền Việt Nam xưa.
-
Đền có kiến trúc theo lối chữ “tam” gồm một chính điện rộng rãi cùng hai dãy Tây lang và Đông lang.
-
Tại cổng tam quan, nổi bật là hai câu đối bằng chữ quốc ngữ đắp nổi chữ vàng trên nền tròn đỏ, là hai câu trong bài thơ điếu của danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt, nêu bật hai chiến công oanh liệt của Nguyễn Trung Trực: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa; Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”.
-
Tại chính điện, lần lượt từ ngoài vào trong có các ban thờ Chánh soái Đại càn, ban thờ 30 vị anh hùng dân tộc, long đình cùng di ảnh (ảnh nhỏ) Nguyễn Trung Trực, ban thờ di ảnh (ảnh lớn) Nguyễn Trung Trực, ban thờ Chư vị, ban thờ Chư vị hội đồng trăm quan cựu thần và Cửu huyền thất tổ.
-
Tại gian cuối ngôi đền có 3 ngai thờ chính: Ngai chính giữa thờ Nguyễn Trung Trực, phía trên bệ có bức hoành phi ghi bốn chữ “Anh Khí Như Hồng”, ca ngợi tiết khí hào hùng của Nguyễn Trung Trực sáng như “cầu vồng bảy sắc”.
-
Phía bên trái có ngai phối thờ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều và Phó lãnh binh Lâm Quang Ky, phía bên phải là ngai thờ thần Nam Hải Đại tướng quân.
-
Tại Đông lang và Tây lang có các ban thờ Tây hiến, Đông hiến, Tiền hiền, Hậu hiền, Thủy long, Đồng bào nghĩa quân liệt sĩ…
-
Không dừng lại ở nghĩa cử tôn vinh anh hùng liệt sĩ, đình thần Nguyễn Trung Trực còn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian trong sinh hoạt thường ngày của cư dân địa phương. Hàng ngày có khá nhiều người đến đây lễ bái, cầu xin bình an, học hành tấn tới, thi cử thành đạt, làm ăn phát tài…
-
Từ năm 1996, vào dịp kỷ niệm ngày anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh hàng năm (27 tháng Tám Âm lịch), tại đền đều có tổ chức lễ hội trọng thể, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ.
-
Đến với đình thần Nguyễn Trung Trực ở Phú Quốc, ngoài việc thắp nén hương lòng thành kính tri ân đối với những anh hùng liệt sĩ thời cận đại, còn là dịp tìm hiểu về một giai đoạn rối ren của lịch sử dân tộc khi bị người Pháp đô hộ.
-
Qua đó, mỗi người con nước Việt có thể tự hào thấy rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dân tộc này cũng thừa ý chí quật cường để vươn lên, cũng không thiếu những người con sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh…
-
Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt Nam quê hương tôi.