Hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ

Ngày 22/2, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em, thay thế hướng dẫn trước đây vào ngày 8/11/2021.

Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, trẻ em mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng. Phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).

Trẻ dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ em mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỉ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.

Đối với hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ mắc COVID-19, Bộ Y tế cho biết đây là hội chứng nặng, hiếm gặp và thường gặp ở giai đoạn muộn sau nhiễm COVID-19 từ 2-6 tuần, có thể gây tử vong nhưng cũng ghi nhận có xu hướng gia tăng.

covid-19-te.jpeg
Hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ

4 tiêu chí xác định trẻ nhiễm COVID-19

- Là trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR).

- Là trẻ tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với COVID-19.

- Là trẻ có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc COVID-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính.

- Là trẻ có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp với COVID-19 (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1). Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ 2 âm tính thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Trong hướng dẫn trước, ca bệnh xác định là tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ và có xét nghiệm dương tính với COVID-19 bằng kỹ thuật RT-PCR.

5 mức độ phân loại lâm sàng:

1. Không có triệu chứng: Trẻ được xác định nhiễm COVID-19 nhưng không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào. Trẻ được cách ly, theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại nhà.

2. Mức độ nhẹ: Trẻ có triệu chứng không điển hình: sốt, đau họng, ho, chảy mũi, tiêu chảy, nôn, đau cơ, ngạt mũi, mất khứu/vị giác, không có triệu chứng viêm phổi. Nhịp thở bình thường theo tuổi. Không có biểu hiện thiếu oxy, SpO2 > 96% khi thở khí trời.

Trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, bú mẹ/ăn/uống bình thường, X-quang phổi bình thường.

Với trẻ có bệnh nền: béo phì, bệnh phổi mãn, suy thận mãn, gan mật, dùng corticoid kéo dài, suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh... cần theo dõi sát vì dễ diễn biến nặng.

3. Mức độ trung bình: Trẻ có triệu chứng viêm phổi nhưng không có các dấu hiệu của viêm phổi nặng và rất nặng như thở nhanh: ≥ 60 lần/phút với trẻ < 2 tháng; ≥ 50 lần/phút với trẻ 2-11 tháng; > 40 lần/phút với trẻ 1-5 tuổi. SpO2: 94 - 95% khi thở khí trời.

Trẻ tỉnh táo, mệt, ăn/bủ/uống ít hơn, X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mở (thường 2 đáy phổi).

4. Mức độ nặng: Trẻ có một trong các triệu chứng gồm viêm phổi nặng, chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng; thở nhanh theo tuổi kèm dấu hiệu co rút lồng ngực hoặc thở rên, phập phồng cánh mũi.

Trẻ khó chịu, quấy khóc, bú/ăn/uống khó. SpO2: 90 đến < 94% khi thờ khi trời; X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mở lan tỏa 250% phổi.

5. Mức độ nguy kịch: Trẻ có một trong các dấu hiệu như hô hấp nặng SpO2 < 90% khi thở khí trời, cần đặt nội khí quản thông khí xâm nhập.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng trẻ như: tím người, thở bất thường, rối loạn nhịp thở, khó đánh thức hoặc hôn mê, bỏ bú/ăn hoặc không uống được.

Trẻ xuất hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), huyết áp tụt, sốc, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, cơn bão cytokine.

Ngoài ra, trong hướng dẫn, Bộ Y tế cũng bổ sung thuốc kháng virus Remdesivir (hướng dẫn trước không có) trong phác đồ điều trị trẻ nhiễm COVID-19.

Theo đó, Remdesivir được chỉ định điều trị cho người bệnh nội trú thể nhẹ có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ, hoặc người bệnh suy hô hấp phải thở oxy/thở CPAP/thở oxy dòng cao HFNC/thở máy không xâm nhập.

Thúy Nga